Vấn đề an toàn thực phẩm trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra gần đây. Điển hình là vụ ngộ độc thức ăn ở quán cơm gà Trâm Anh tại Nha Trang khiến trên 360 người bị ngộ độc hồi giữa tháng 3.2024 hay ngay đầu tháng 4.2024, có gần 50 người phải nhập viện và đang được theo dõi sức khỏe tại Trung tâm y tế TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), nghi bị ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì, bánh bao ở lễ hội.
Ngay tại Hà Nội, thời điểm này năm ngoái xôn xao vụ việc 50 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc sau chuyến đi dã ngoại. Cuối năm 2023, 11 học sinh Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) mua kẹo vị hoa quả, vỏ bao ghi chữ nước ngoài tại cửa hàng gần trường chia nhau ăn, sau đó có dấu hiệu bị ngộ độc. Sở GDĐT TP Hà Nội đã có chỉ đạo khẩn đến các nhà trường…
Các vụ ngộ độc có xu hướng xảy ra vào mùa nắng nóng, đây cũng là môi trường thích hợp để vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, đồ uống.
Sở Y tế TP Hà Nội thông tin toàn thành phố hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Đó là con số thống kê, còn trên thực tế chưa thể đếm hết được các quán hàng rong, các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh. Điều này cho thấy, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một thành phố trên dưới 10 triệu dân như Hà Nội trở thành một thách thức lớn.
Hệ thống pháp luật hiện hành có tới 25 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm bao gồm 1 luật, 15 nghị định, 7 thông tư, 2 chỉ thị của Thủ tướng. Trong đó có Luật An toàn thực phẩm 2010 (được sửa đổi tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018; Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 05.9.2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 20.9.2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02.02.2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong vấn đề này còn nhiều kẽ hở do nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh. Mặt khác, công tác kiểm tra giám sát mỏng nên hầu hết vụ việc bị phát hiện thì đã có hậu quả.
Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp… thì ý thức cũng như kiến thức của người dân (trong đó tập trung vào lực lượng học sinh) là quan trọng.