Ngày 29.2, tin từ lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, trong thời gian tới bệnh viện sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng, khởi công Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 với quy mô 300 tỉ đồng, xây dựng Trung tâm xạ trị Proton tại Việt Nam với quy mô 2.000 tỉ đồng, cải tạo và mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, tòa nhà Nội – Huyết học lâm sàng.
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là quyết tâm “xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế có thương hiệu quốc tế, là trung tâm y học cao cấp; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao xứng tầm khu vực Đông Nam Á và thế giới”, cùng với tỉnh sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị.
Hiện Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện hạng đặc biệt, một trong ba bệnh viện đa khoa Trung ương lớn nhất nước.
Năm 2023, Bệnh viện tiếp nhận gần 180.000 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 700.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, điều trị ngoại trú; phẫu thuật gần 50.000 ca, đứng tốp 3 trong cả nước. Các chỉ số hoạt động đều đạt và tăng so với năm 2019 trước đại dịch COVID-19, vượt cao so với năm 2020, 2021 và 2022.
Trước đó, ngày 27.2, Bệnh viện Trung ương Huế khai trương hệ thống xạ trị gia tốc tuyến tính Synergy 160 là thế hệ mới của hãng Elekta, Vương quốc Anh.
Theo GS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là hệ thống máy xạ trị hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay. Máy xạ trị này cho phép thực hiện nhiều kỹ thuật cao: Xạ trị điều biến liều, xạ trị hình cung điều biến liều theo thể tích, xạ trị chuyển động quay theo hình thái u, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh; thực hiện ở người lớn và trẻ em với các bệnh lý như bệnh ung thư vùng đầu cổ, ung thư tiêu hóa, ung thư vú, ung thư phụ khoa… nhằm xạ trị chính xác vào mục tiêu, tối ưu hóa tiêu diệt khối u đồng thời giảm tác dụng phụ tối đa với các cơ quan khác trong cơ thể.