Hiện nay, TPHCM có hệ thống khám, chữa bệnh lớn nhất cả nước gồm: 10 bệnh viện đa khoa, 22 bệnh viện chuyên khoa, 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành, trong đó có các bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, cùng các trạm y tế vệ tinh. Vì vậy, nhu cầu khám chữa bệnh và cung cấp thuốc là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc. Sản lượng thuốc tiêu thụ tại TPHCM chiếm từ 25-30% của cả nước, do đó, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Hùng – đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM – đặt câu hỏi, trong thời gian vừa qua có một số phản ánh của người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng đến các cơ sở công lập khám chữa bệnh thì không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi, đặc biệt là cung ứng thuốc không đầy đủ. Vậy trong những trường hợp này, nếu người dân được chỉ định mua thuốc nên ngoài thì có được thanh toán BHYT không?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, hiện nay chưa có quy định về việc thanh toán bảo hiểm cho người bệnh mua thuốc bên ngoài. Bộ Y tế đang dự thảo thông tư về vấn đề này, nhưng việc thanh toán lại mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh, bởi việc cung ứng thuốc là trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh, và bệnh nhân tới bệnh viện khám phải được đáp ứng đầy đủ thuốc.
Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu thuốc là do đứt gãy nguồn cung vì xung đột một số nơi trên thế giới, cùng với việc thông tư đấu thầu thuốc chậm ban hành. Mặc dù Luật Đấu thầu thuốc có hiệu lực từ ngày 11.1.2024, nhưng tới ngày 17.5.2024, mới có thông tư hướng dẫn, khiến một số bệnh viện thiếu thuốc nhưng không thể mua được.
Quy định từ trước đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn quy định pháp luật nào về việc thanh toán lại tiền thuốc nếu bệnh nhân phải mua ngoài do thiếu thuốc, mà trách nhiệm vẫn thuộc về cơ sở khám chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cũng cho biết, việc đảm bảo quyền lợi người bệnh luôn được ủng hộ. Tuy nhiên, giải pháp là mở rộng đấu thầu tập trung cấp địa phương để các bệnh viện thiếu thuốc có thể điều tiết nguồn thuốc qua lại. Đồng thời, cần đề xuất Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán giữa các cơ sở y tế và BHXH để thuận lợi cho bệnh nhân, bệnh viện và cơ quan BHXH, đồng thời hạn chế tình trạng thuốc giả hoặc không đảm bảo chất lượng khi bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài. Nếu tổ chức đấu thầu riêng lẻ tại các bệnh viện thì khi một bệnh viện hết thuốc, người bệnh sẽ phải mua thuốc bên ngoài.
“Liên quan đến Dự thảo về thanh toán lại cho bệnh nhân mua thuốc BHYT của Bộ Y tế, tôi nhận thấy vẫn chưa hợp lý ở một số điểm. Ví dụ, không phải bệnh nhân nào cũng có tiền để mua thuốc ngoài, và nếu việc này được chấp nhận sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân thường xuyên phải mua thuốc bên ngoài, trái với Luật Khám chữa bệnh.
Bệnh nhân sử dụng BHYT thường có hoàn cảnh khó khăn, và nếu phải ứng tiền mua thuốc bên ngoài rồi đợi hàng tháng để làm thủ tục thanh toán tại cơ quan BHXH sẽ khiến nhân lực của BHXH phải tăng trong khi Chính phủ đang muốn cắt giảm biên chế”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.