Đang trong phòng tập vật lý trị liệu sau lần đột quỵ cách đây 3 tháng, ông H.P (52 tuổi, TPHCM) vẫn đang cố gắng hy vọng chức năng cơ của mình phục hồi. Bởi sau khi đột quỵ, mọi hoạt động của ông P đều rất khó khăn, thậm chí giai đoạn đầu mới xuất viện, mọi vấn đề cá nhân đều nhờ người nhà hỗ trợ.
“Sau thời gian tập các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi cảm thấy mình tốt hơn, nhất là cảm nhận được sự vận động dễ hơn”, ông P chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), cho biết đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật, bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng (bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn).
Sau khi được cứu sống, khoảng 70% bệnh nhân bị đột quỵ có di chứng khuyết tật nặng, đặc biệt là rối loạn vận động, 30% không thể phục hồi.
Sau đột quỵ, có một số phương pháp điều trị phục hồi như châm cứu; xoa bóp bấm huyệt; vật lý trị liệu – phục hồi chức năng… Người bệnh sau đột quỵ khi điều trị phục hồi chức năng cần cân nhắc điều trị sớm trong vòng 3 tháng đầu tiên để đạt được hiệu quả tốt nhất. Vai trò chăm sóc của người nhà, nhân viên y tế về thể chất cũng như tinh thần rất quan trọng, bảo đảm việc điều trị không bị gián đoạn.
Và để đạt được hiệu quả tối đa, sự đồng hành và động viên của người nhà rất lớn. Bởi bệnh nhân nhiều thời điểm không tránh khỏi nản lòng, bỏ cuộc nên việc giúp bệnh nhân lấy lại tinh thần, thường xuyên thăm hỏi của người thân và bác sĩ trực tiếp hỗ trợ rất quan trọng.