Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Immunology đã chỉ ra vai trò quan trọng của một loại tế bào máu mang tên megakaryocyte có thể giúp cơ thể duy trì khả năng miễn dịch lâu dài.
Megakaryocyte vốn được biết đến là tế bào sản sinh tiểu cầu, giúp máu đông lại khi bị thương. Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng còn có vai trò “cũng cố bức thành” của hệ miễn dịch.
Cụ thể, khi phân tích mẫu máu của 244 người đã được tiêm một trong 7 loại vaccine khác nhau (bao gồm cúm mùa, sốt vàng da, sốt rét và COVID-19), các nhà khoa học đã phát hiện một dấu hiệu phân tử trong RNA của megakaryocyte. Dấu hiệu này có liên quan trực tiếp đến sức mạnh và độ bền của kháng thể sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Megakaryocyte giúp duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể bằng cách tạo ra một môi trường đặc biệt trong tủy xương. Tại đây, các tế bào sản xuất kháng thể có thể tồn tại lâu dài nhờ được nuôi dưỡng và bảo vệ. Ngược lại, khi các phân tử quan trọng trong megakaryocyte bị ức chế, tế bào sản xuất kháng thể không thể tồn tại đủ lâu để cung cấp khả năng miễn dịch bền vững.
Theo Tiến sĩ Bali Pulendran, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford, phát hiện này mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển các loại vaccine có khả năng kích hoạt vai trò của megakaryocyte hiệu quả hơn. Những vaccine như vậy có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn, kéo dài hơn, không chỉ cải thiện hiệu quả của các loại vaccine hiện tại mà còn hỗ trợ thiết kế các vaccine mới đối phó tốt hơn với những bệnh truyền nhiễm phức tạp.
Nguồn tin: https://baotintuc.vn/suc-khoe/giai-ma-ly-do-mot-so-vaccine-co-kha-nang-mien-dich-ben-vung-hon-20250106165854782.htm