Những ca ghép tạng hồi sinh cuộc sống
Ngay những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã lập kỳ tích về việc thực hiện thành công một loạt ca lấy – ghép 8 mô tạng từ người cho chết não. Bệnh viện đã huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia để lấy – ghép đồng thời các mô, tạng, gồm: Tim, phổi, gan, thận, tụy, chi thể, giác mạc và tổ chức chu đáo công tác hậu sự cho người bệnh chết não hiến đa mô, tạng.
Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một bệnh nhân nam (26 tuổi) bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Sau khi nhận được thông tin về tình trạng của bệnh nhân và với tấm lòng thiện nguyện, nhân đạo, gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng để cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác.
Sau buổi lễ mặc niệm, cảm ơn bệnh nhân đã hiến mô, tạng của mình để cứu chữa những bệnh nhân khác, các y bác sĩ đã tiến hành cuộc đại phẫu liên tiếp trong nhiều giờ.
Cùng với việc lấy – ghép các mô, tạng trên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn bảo quản và điều phối lá phổi của người hiến cho Bệnh viện Phổi Trung ương để ghép phổi cho một bệnh nhân trẻ bị bệnh lý hiếm gặp, tổn thương nghiêm trọng hai phổi với tiên lượng xấu.
Sau 6 tiếng, ca ghép toàn bộ hai lá phổi cho bệnh nhân đã kết thúc thành công và ngay trong đêm giao thừa, bệnh nhân đã tỉnh và không còn phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO).
Đây chỉ là một trong những ca lấy ghép tạng được các bác sĩ Việt Nam thực hiện trong hơn 30 năm qua kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992).
GS.TS Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam – nhận định: “Ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học. Đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới”.
Nếu trước đây chỉ các bệnh viện lớn như: 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) mới có thể thực hiện được kỹ thuật ghép tạng thì đến nay, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, cứu sống người mắc bệnh hiểm nghèo.
Vẫn còn những rào cản
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến ngày 31.12.2023, tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam là 8.302 ca, nhiều nhất là vào năm 2022 (1.004 ca) và năm 2023 (1.002 ca).
Một tín hiệu cho thấy ngành hiến ghép mô, tạng nước ta đang phát triển theo hướng đi lên, đồng nghĩa đã có nhiều bệnh nhân được kéo dài sự sống, cải thiện sức khỏe.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam – cho rằng, vấn đề đặt ra những ca ghép mô tạng được lấy chủ yếu từ người hiến sống (7.902 ca, chiếm 95%) trong khi đó những ca ghép tạng từ nguồn hiến chết/chết não lại rất khiêm tốn (400 ca, chiếm 5%) đi ngược so với xu hướng trên thế giới. Việc hiến khi còn sống ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người hiến sau này, việc hiến sống dễ bị người xấu lợi dụng dẫn đến việc mua bán tạng trái phép…
Chính vì vậy trên thế giới đa phần các quốc gia dẫn đầu về hiến ghép tạng (Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha…) có số ca ghép mô tạng chủ yếu từ người cho chết não, cao hơn so với nguồn từ người hiến sống.
“Chúng ta làm tốt công nghệ nhưng nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện rất thấp. Tỉ lệ người dân Việt Nam đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới. Tỉ lệ người hiến tạng sau chết não cũng thấp nhất” – PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Mỗi ngày ước tính có khoảng 20-30 người chết vì thiếu tạng ghép, trong khi đó hằng ngày theo ước tính có khoảng 40-50 chết vì tai nạn giao thông, bệnh tai biến… Trường hợp vận động gia đình thành công lấy tạng từ nguồn hiến này, việc cứu người và cải thiện cuộc sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng đang chờ ghép chắc chắn được cải thiện hơn.
Việc thay đổi nhận thức về việc hiến ghép tạng nói chung và việc hiến ghép tạng có nguồn từ người hiến chết/chết não cần phải được quan tâm hơn, đẩy mạnh hơn. Hy vọng trong năm 2024 và các năm tiếp việc hiến ghép mô tạng sẽ không còn là rào cản tâm lý, văn hóa, tâm linh. Việc hiến tạng từ người chết/chết não tiếp tục phát triển mở ra cơ hội sống, cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân khác.