Chủ quan với cúm A
Nhiều người dân khi có triệu chứng của cúm A vẫn chủ quan cho rằng, chỉ là bệnh cúm nên không đáng lo ngại. Khi có dấu hiệu trở nặng mới đi khám tại các cơ sở y tế.
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng một tháng trở lại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc cúm A và điều trị trung bình dao động từ 60 – 80 bệnh nhi nội trú, chiếm khoảng 1/2 đến 1/3 số trẻ điều trị tại trung tâm.
TS Đỗ Thị Thúy Nga – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm xảy ra trên những đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ hoặc người già, người có bệnh nền. Hầu hết, người dân xem cúm là bệnh thông thường và tự mua thuốc uống chỉ khi diễn biến nặng mới vào bệnh viện thăm khám. Tuy nhiên, thực tế ở một số trẻ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nặng nề.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – cho hay, biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một nữ bệnh nhân 59 tuổi, sống tại Thái Nguyên biến chứng do cúm A. Ban đầu, do xuất hiện tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi nên bệnh nhân nghĩ chỉ cảm sốt thông thường. Một ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, bà đối mặt với tình trạng tức ngực, khó thở, suy hô hấp phải đặt ống thở máy.
Tự làm bác sĩ
Trên các trang mạng còn rao bán kít test nhanh cúm với lời quảng cáo: Kit test phát hiện ra được 5 bệnh là COVID-19, Cúm A-B, Adeno, RSV rất tiện lợi nên các bé không phải làm xét nghiệm máu để xét nghiệm mấy bệnh này. Onsite Influenza A/B Rapid Test. Kit thử nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút cúm A/B. Sản xuất: CTK Biotech. 1 hộp/ 25 test.
Trước việc không ít người dân khi mắc cúm đã mua kít test và tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc người dân tự mua thuốc Tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng: Không cần thiết phải test nhanh cúm A tại nhà. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, có thể tự khỏi. Khi sốt quá cao, kéo dài, cần loại trừ mắc sốt xuất huyết, người dân mới nên test. Tự test tại nhà dẫn đến hiện tượng âm tính giả hoặc dương tính giả, từ đó chẩn đoán và điều trị sai, gây nguy hiểm sức khỏe.
Ngoài ra, test cúm chỉ là một xét nghiệm cơ bản, không đánh giá được toàn trạng người bệnh. Tại bệnh viện, test cúm bên cạnh các xét nghiệm khác giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh hiệu quả và chính xác hơn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
“Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ. Người mắc bệnh không cần thiết dùng thuốc bởi cúm là bệnh có thể tự hết, những đối tượng có diễn tiến suy hô hấp nhanh mới cần uống loại thuốc này. Thuốc cần uống đúng thời điểm mới đem lại hiệu quả tốt. Nếu uống quá 48 tiếng, đặc biệt là sau 72 tiếng từ khi mắc bệnh thì thuốc gần như không tác dụng”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua chữa cúm. Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn. Nếu sử dụng không đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, sức khỏe.