Bệnh nhân L.M.S (18 tuổi, TPHCM) sinh viên năm thứ nhất một trường đại học đóng trên địa bàn TPHCM. Ngày 11.12.2023, xuất phát từ hiềm khích cá nhân phát sinh trong một trận thi đấu bóng đá do nhà trường tổ chức, ngay sau khi trận đấu kết thúc, nạn nhân bị một nam sinh cùng trường đâm từ phía sau vào vùng cổ bên phải bằng dao nhọn. Vết thương gây chảy máu rất nhiều, nạn nhân được giáo viên và bạn học băng bó tạm thời và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175.
Ngay khi tiếp nhận nạn nhân, bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, hội chẩn liên chuyên khoa nhận định bệnh nhân bị thủng mạch máu lớn vùng cổ, tình trạng chảy máu vẫn đang hoạt động, tiên lượng nguy kịch.
Các bác sĩ khẩn trương băng ép cầm máu vết thương, thực hiện các xét nghiệm cấp cứu, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng đầu cổ. Kết quả đúng như nhận định: Bệnh nhân bị gãy mỏm ngang đốt sống cổ C2 bên phải có mảnh rời, thủng thành bên động mạch đốt sống phải ở vị trí tương ứng gây chảy máu đang hoạt động, động mạch đốt sống phải kém ưu thế so với động mạch đốt sống trái.
Bác sĩ Phan Đình Văn và Bác sĩ Lê Minh Đăng – Đơn vị can thiệp thần kinh, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền qua catheter ghi nhận động mạch bị thủng và xuất huyết vẫn đang hoạt động, đường kính động mạch đốt sống trái lớn hơn so với động mạch đốt sống phải. Chọn lọc vi ống thông đến vị trí động mạch bị thủng, thông qua vi ống thông luồn các vòng xoắn kim loại (coil) gây tắc động mạch tại vị trí này. Chụp động mạch đốt sống hai bên qua catheter ghi nhận chỗ thủng động mạch đốt sống phải đã được xử lý triệt để, tuần hoàn lên não đảm bảo thông qua động mạch đốt sống trái”.
Tiến sĩ Bác sĩ Tạ Vương Khoa – Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, trưởng ê-kíp can thiệp thông tin thêm, tại Mỹ, thống kê của Ngân hàng Dữ liệu Chấn thương Quốc gia, trong 2 năm từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy, chấn thương động mạch đốt sống chỉ chiếm tỉ lệ không đến 1% (6.865 trong tổng số 1.965.144 trường hợp), đáng lưu ý chỉ 9% trong số này (608 trong tổng số 6.865 trường hợp) là thủng động mạch do vết thương xuyên thấu (bởi dao, kéo, mảnh thuỷ tinh, hoả khí…) như trường hợp nạn nhân đến với chúng tôi. Nói vậy, để thấy rằng ca bệnh đang đề cập là một trường hợp rất hiếm gặp. Bản thân ê-kíp can thiệp mạch chúng tôi cũng chưa từng gặp tình huống tương tự trước đây, tra cứu y văn trong nước hầu như không tìm thấy dữ liệu.
Sau 1 tuần phẫu thuật và điều trị tích cực, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện.