Thiếu vaccine tiêm chủng, trẻ đối diện với bệnh tật
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông báo, hầu hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã cạn kiệt. Vaccine uốn ván tiêm cho thai phụ dự kiến hết vào tháng 12, còn vaccine viêm não Nhật Bản sẽ hết vào tháng 1.2024. Thời điểm nhận được vaccine gần nhất là vào đầu tháng 10, với 2 loại là vaccine phòng bệnh uốn ván VAT và bại liệt đường uống.
Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin một số loại vaccine bị gián đoạn. Cụ thể, vaccine DPT hết từ tháng 4.2023, vaccine sởi đơn hết từ tháng 9.2023, viêm gan B hết từ tháng 10.2023. Đối với vaccine 5 trong 1 còn đủ tiêm chủng đến tháng 12.2023.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo: Trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề.
Vaccine “5 trong 1” thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỉ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu – uốn ván – ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh. Một khi cộng đồng không được cung ứng vaccine đầy đủ, tỉ lệ tiêm chủng vaccine sẽ giảm xuống, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh.
Bao giờ chấm dứt tình trạng “đói” vaccine?
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp với bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong cả nước, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7.2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05.8.2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.
Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật Đấu thầu. Trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế cũng đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức Quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Chính phủ Úc sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1 dự kiến tháng 12 này sẽ về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương.
Để giải quyết căn cơ, lâu dài Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng đến sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.