Công ty chưa ra đời, sản phẩm đã xuất hiện
Trình dược viên Lê Ngọc Mai (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhiều năm qua tố cáo hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng khi chưa được cấp phép của một doanh nghiệp ở Thái Nguyên.
Đó là Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Hưng Long, đăng ký kinh doanh tại địa chỉ 276 đường Ga, Tổ 22, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng.
Theo bà Mai, đầu năm 2019, công ty ra mắt và bán ra thị trường 2 sản phẩm là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hen Hưng Long” và “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xoang Hưng Long”. Trên thân lọ của 2 sản phẩm này đều ghi rõ ngày sản xuất là 12.12.2018.
Đáng chú ý là Công ty Phúc Hưng Long được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 4.1.2019. Trong khi đó, bất kể một doanh nghiệp nào khi hoạt động cũng cần phải có giấy phép kinh doanh, ngay cả khi chưa sản xuất ra thành phẩm.
“Công ty Phúc Hưng Long đã sản xuất 2 sản phẩm thực phẩm chức năng trên từ trước khi thành lập doanh nghiệp. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ rằng, Công ty Phúc Hưng Long đã sản xuất 2 sản phẩm là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hen Hưng Long” và “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xoang Hưng Long” khi chưa có đủ điều kiện sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng” – bà Mai chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.
Sở dĩ, bà Mai biết được điều này là vì bà cùng em trai mình là ông Lê Minh Trí đã được các thành viên của Công ty Phúc Hưng Long (cụ thể là ông Đào Ngọc Bính – Giám đốc công ty) kêu gọi trở thành thành viên của công ty này, với vai trò góp vốn đầu tư 800 triệu đồng và kinh doanh, buôn bán các sản phẩm do công ty sản xuất. Ông Trí, bà Mai đã thế chấp căn nhà duy nhất vào ngân hàng để có tiền góp vốn.
Nhờ đó, Công ty Phúc Hưng Long đã vận chuyển nhiều thùng hàng 2 sản phẩm “Hen Hưng Long” và “Xoang Hưng Long” gửi đến ông Trí, bà Mai qua đường bưu điện. Thời điểm này, bà Mai và ông Trí đang làm trình dược viên cho một số công ty dược tại TP. Hồ Chí Minh.
Khi có nghi vấn về các sai phạm của Công ty Phúc Hưng Long, cũng là lúc bà Mai nhận ra mình bị lừa. Số tiền 800 triệu đồng góp cổ phần cũng chưa lấy lại được, dù nhiều năm qua, bà đi cầu cứu các cơ quan chức năng.
“Tôi đã may mắn khi không bán các sản phẩm thực phẩm chức năng đó. Dù chưa đủ điều kiện để sản xuất nhưng Công ty Phúc Hưng Long đã sản xuất thực phẩm chức năng, kinh doanh hàng nghìn sản phẩm. Nếu người dân mua và sử dụng các sản phẩm này thì sẽ có nguy cơ gặp nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng. Là một trình dược viên, tôi không thể chấp nhận điều này” – bà Mai kể lại.
Cục An toàn thực phẩm xác định không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm
Theo bà Mai, khi đại diện Công ty Phúc Hưng Long chuyển hàng nghìn sản phẩm “Xoang Hưng Long” và “Hen Hưng Long” đến để bà Mai, ông Trí triển khai bán cho người dân, bà Mai đã gửi trả lại.
Ngày 2.7.2022 và ngày 12.7.2022, bà Mai đã gửi đơn tố cáo hành vi trên đến Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên nhưng đến nay, sau gần 2 năm gửi đơn, bà vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ đơn vị này.
Không bỏ cuộc, bà Mai tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan liên quan như: Tổng cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế…
Theo thông tin của PV Lao Động, ngày 9.11.2023, Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế đã nhận được đơn kiến nghị của bà Lê Ngọc Mai và ông Lê Minh Trí gửi đến, tố cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trước khi được cấp phép.
Liên quan đến vụ việc này, Cục An toàn thực phẩm cho biết, đã rà soát và xác nhận không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 2 sản phẩm này.
Thực phẩm chức năng ngày càng được nhiều người dân tin dùng, sử dụng để bồi bổ, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh.
Thế nhưng, đây cũng chính là mục tiêu kinh doanh bất chính của không ít đối tượng. Chưa được cấp phép đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng là hành vi gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Chia sẻ với PV Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho biết: Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng trước thời điểm đăng ký kinh doanh là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Để có thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, trước hết, bắt buộc doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh, tiếp đó, phải có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Riêng việc sản xuất thực phẩm chức năng cũng bắt buộc phải có nhà máy đạt chuẩn GMP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Bộ Y tế cấp phép”- chuyên gia này khẳng định.