Theo Tiến sĩ chuyên gia PRLN Prasad, Chuyên gia tư vấn – Bác sĩ tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gleneagles BGS, Kengeri, Bengaluru, Ấn Độ, khi bạn tức giận sẽ dẫn đến nhịp tim, huyết áp tăng và giải phóng hormone căng thẳng. Nếu thường xuyên tức giận có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch lâu dài.
Theo như Viện Ung thư Quốc gia Ấn Độ, khi tức giận, cơ thể bạn sẽ giải phóng các hormone gây căng thẳng được gọi là catecholamine, bao gồm dopamine, adrenaline và norepinephrine. Sự gia tăng hormone này kích hoạt các phản ứng vật lý, chẳng hạn như tim đập nhanh và huyết áp cao
Tác động chính của sự tức giận đối với sức khỏe tim mạch
Tăng huyết áp: Sự tức giận có thể gây ra sự tăng đột biến tạm thời về huyết áp. Các đợt tăng huyết áp lặp đi lặp lại có thể làm hỏng thành động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch, một tình trạng mà động mạch bị hẹp và cứng lại do mảng bám tích tụ.
Nhịp tim tăng cao: Trong lúc tức giận, nhịp tim của bạn tăng lên đáng kể. Nhịp tim tăng cao mạn tính có thể gây căng thẳng cho tim, gây ra chứng loạn nhịp tim và các tình trạng tim mạch khác.
Hormone căng thẳng: Việc giải phóng hormone căng thẳng trong lúc tức giận có thể dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương mạch máu theo thời gian. Tiếp xúc lâu dài với các hormone này có hại cho sức khỏe tim mạch nói chung.
Cách quản lý cơn giận và bảo vệ sức khỏe tim mạch
Kỹ thuật thư giãn: Các kỹ thuật như hít thở sâu, thiền và thư giãn có thể giúp kiểm soát cơn giận và giảm căng thẳng. Thực hành thường xuyên các kỹ thuật này có thể có tác dụng làm dịu hệ tim mạch.
Duy trì lối sống lành mạnh: Một lối sống lành mạnh cho tim bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên và ngủ đủ giấc là rất quan trọng. Những thói quen này không chỉ hỗ trợ sức khỏe tim mạch mà còn giúp kiểm soát căng thẳng và tức giận hiệu quả hơn.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/con-tuc-gian-ngan-co-the-gay-ra-cac-van-de-ve-tim-mach-1378848.ldo