Tiến sĩ Gaurav Jain, cố vấn nội khoa, Bệnh viện siêu chuyên khoa Dharamshila Narayana, Delhi (Ấn Độ) – cho biết: Cơ thể con người được tạo thành từ 70 phần trăm là nước. Việc uống nước rất cần thiết để duy trì nhiệt độ cơ thể, giải độc cơ thể thông qua mồ hôi, nước tiểu và nhu động ruột và bôi trơn các khớp.
“Nhiều người trong chúng ta thức dậy với cảm giác khát nước và theo bản năng cầm lấy chai nước để trên bàn cạnh giường để uống. Nhưng đây có thể là một thói quen không tốt”, Tiến sĩ Gaurav Jain nói.
Tiến sĩ Gaurav Jain giải thích rằng, nếu nước để ngoài trời mà không đậy nắp, nó sẽ hòa lẫn với carbon dioxide. Mặc dù không có những tác hại rõ ràng của việc này, nhưng nó làm giảm nhẹ độ pH của nước.
Mặc dù uống nước để qua đêm không đậy nắp an toàn đối với một người khỏe mạnh, nhưng đối với người đang ốm khi uống phải nước này, họ có thể dễ bị nhiễm trùng do ô nhiễm vì khả năng miễn dịch của họ ở mức thấp. Do đó, chúng ta cần uống và bảo quản nước đúng cách.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Ashit Bhagwati, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Bhatia Mumbai (Ấn Độ) cho biết, ô nhiễm có thể xảy ra nếu nước không được đậy nắp. Bởi, môi trường của chúng ta chứa đầy các hạt bụi nhỏ và các chất ô nhiễm khác sẽ lắng xuống theo thời gian.
“Việc để một cốc nước không đậy nắp suốt đêm sẽ dẫn đến ô nhiễm từ bụi và các hạt tồn tại trong môi trường không khí”, Tiến sĩ Bhagwati giải thích.
Ngoài ra, bình đựng nước có thể bị hôi sau một thời gian sử dụng, khiến việc vệ sinh bình sau mỗi lần sử dụng trở nên cần thiết. Không vệ sinh bình cũng khiến bình trở thành nơi tích tụ vi khuẩn và các loại vi rút khác có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua bình và nước bên trong.
Các bác sĩ cũng cho rằng, chúng ta cũng nên tránh uống nước được giữ trong không gian kín như ôtô. Bởi, nước được giữ lâu trong chai nhựa hoặc không gian kín trong ôtô sẽ không an toàn vì nó nóng lên dưới ánh sáng mặt trời và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Cách tốt nhất để tiêu thụ nước là đi đến nguồn nước như máy lọc nước và lấy một cốc nước sạch, đổ đầy và uống chúng ngay.
Tiến sĩ Ashit Bhagwati lưu ý thêm rằng, nên tránh lưu trữ nước trong chai nhựa vì nước có thể bị nhiễm các hóa chất được sử dụng để sản xuất chúng.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/co-nen-uong-nuoc-da-de-qua-dem-va-khong-day-nap-1378475.ldo