Đã có 5 ca tử vong được ghi nhận liên quan tới loại thực phẩm bổ sung chứa gạo men đỏ của Công ty Dược phẩm Kobayashi (Nhật Bản).
Sản phẩm bị thu hồi “beni-koji choleste-help” của Công ty dược phẩm Kobayashi chứa beni-koji (gạo men đỏ) – một loại thực phẩm lên men từ nấm mốc koji có màu đỏ tự nhiên, được sử dụng từ lâu trong ẩm thực và y học cổ truyền ở châu Á.
Công ty Dược phẩm Kobayashi của Nhật Bản vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây tử vong và các vấn đề về sức khỏe cho người dùng liên quan đến một số nhãn hàng thực phẩm chức năng của hãng này.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đơn vị chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hay Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 4 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Dược phẩm Kobayashi, gồm:
– Beni-koji choleste-help;
– Naishi-help plus cholesterol;
– Natto-kinase sarasara-tsubu gold
– Kobayashi Naishi Help 30
Tuy nhiên, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như nêu trên. “Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật” – Cục An toàn thực phẩm nêu rõ.
Từ vụ 5 ca tử vong liên quan đến thực phẩm chức năng ở Nhật Bản, Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý:
Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh, chỉ là sản phẩm có thể dùng kèm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Một số thực phẩm chức năng có thành phần, nồng độ, hàm lượng đóng gói phù hợp liều điều trị như thuốc thì cũng không thể coi là thuốc chính, chỉ có vai trò phụ trợ.
Tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nội dung khẳng định “chữa khỏi”, “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”… đều lừa dối người tiêu dùng.