Nồng độ axit uric trong máu tăng cao do nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, môi trường, thói quen… Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn quá nhiều purine từ thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản. Chỉ số axit uric cao lâu dài sẽ dẫn tới trình trạng viêm khớp hay mắc bệnh gout.
Tuy nhiên, dư thừa axit uric không chỉ gây viêm mà còn khiến cơ thể xảy ra tình trạng kháng insulin. Insulin là một loại hormone được sản xuất trong tuyến tụy, giúp kiểm soát lượng đường glucose trong máu. Khi cơ thể xảy ra tình trạng không phản ứng đúng với insulin, chỉ số đường huyết sẽ tăng cao và khó kiểm soát.
Lượng đường trong máu không thể đào thải sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay tiểu đường. Điều này cũng dễ dàng khiến cho cơ thể mắc các bệnh liên quan đến tim mạch hay mạch máu.
Ngược lại, khi cơ thể mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc thừa cân, mô mỡ quanh vùng bụng có thể khiến chức năng của thận bị suy giảm. Điều này có thể làm giảm khả năng đào thải axit uric dư thừa ra khỏi máu, gây ra bệnh gout.
Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường hay tiểu đường, nên thêm nhiều rau xanh vào chế độ ăn, kiểm soát cân nặng, hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên…
Bên cạnh đó, những người có chỉ số axit uric cao hoặc mắc bệnh gout nên duy trì chế độ ăn lành mạnh như thêm thực phẩm giàu vitamin C, hạn chế rượu bia… Ngoài ra, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ axit uric cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ.