Bệnh nhân Nguyễn T.T (87 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị ngã và có tiền sử khối u vùng góc hàm bên phải đã lâu, nay khối u phát triển to nhanh, gây hạn chế sự vận động của đầu, cổ và có biểu hiện loét da do khối u lớn tì đè vào giường khi nằm, nên nhập cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương cột sống thắt lưng, di chứng xuất huyết não kèm khối u vùng góc hàm phải kích thước 20x20x15cm. Bệnh nhân được hội chẩn với các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực để điều trị khối u.
Nhận thấy khối u có kích thước quá lớn, sưng phồng, gây biến dạng vùng mặt cổ của người bệnh, nếu không phẫu thuật loại bỏ thì khối u sẽ ngày càng phát triển không chỉ mất thẩm mỹ, gây hạn chế vận động đầu cổ mà còn gây loét da do tì đè, nhiễm trùng, vỡ khối u, chèn ép thần kinh, mạch máu vùng cổ, mặt, gây biến chứng nguy hiểm. Vì thế, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực quyết định thực hiện phẫu thuật cắt khối u cho bệnh nhân.
Bác sĩ Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là ca phẫu thuật phức tạp bởi bệnh nhân đã 87 tuổi, bị chấn thương cột sống kèm di chứng sau 3 lần tai biến.
Hơn nữa, khối u có kích thước quá lớn, vị trí gần đầu có nhiều cấu trúc như động mạch cảnh ngoài, dây thần kinh mặt, các nhánh của dây thần kinh tai lớn, động mạch hàm trên, động mạch thái dương nông… Vì vậy, việc phẫu thuật có nguy cơ gây liệt mặt sau mổ, chảy máu trong và sau mổ rất cao. Tuy nhiên, sau 2,5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công tách khối u, bệnh nhân không xảy ra tai biến.
Hiện tại, bệnh nhân ổn định, ăn uống bình thường, rất phấn khởi, tự tin khi thoát khỏi khối u đeo bám lâu năm.
Theo bác sĩ Vũ, khả năng khối u này là u tuyến nước bọt mang tai. Tuyến nước bọt mang tai là tuyến nước bọt lớn nhất ở nhiều loài động vật. Ở con người, có 2 tuyến nước bọt mang tai ở mỗi bên của miệng, trước mỗi tai. Tuyến nước bọt tiết ra nước bọt giúp cho việc nhai nuốt và khởi động quá trình tiêu hóa thức ăn.
U tuyến nước bọt bao gồm u lành tính và u ác tính. Trong đó, đa số là u lành tính, chiếm 80%. Tuy nhiên, u lành tính có thể phát triển thành u ác tính nếu như tồn tại trong cơ thể kéo dài mà không được phẫu thuật.