Sốt xuất huyết vào mùa
Theo thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận tổng số 286 ca sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong tháng 5 là 34. Số ca sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên không loại trừ trường hợp bệnh này nguy cơ gia tăng từ tháng 6, khi Nam bộ vào mùa mưa.
Ngày 11.6, tại Khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện ghi nhận trường hợp 2 anh em cùng nhà bị sốt xuất huyết (bé anh 10 tuổi, bé em 6 tuổi); trong đó, bé em bị sốc sốt xuất huyết đen.
“Ngày thứ 4 khi khám bệnh, chúng tôi thấy bé em ói nhiều, đau bụng và có dấu hiệu trở nặng. Sau khi xét nghiệm máu thấy có tiểu cầu giảm thấp, cô đặc máu, đo huyết áp bé bị kẹp nên bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc sốt xuất huyết đen.
Bác sĩ có cho truyền dịch, điều trị chống sốc, sau đó theo dõi sinh hiệu, dấu hiệu nặng để có hướng xử trí”, bác sĩ Nguyễn Văn Tuân (Bác sĩ điều trị Khoa Sốt xuất huyết) trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhi thông tin.
Cũng theo bác sĩ Tuân, không phải các bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều sẽ sốc, chẳng hạn như trường hợp trên, bé em nhập viện sau và trở nặng còn bé anh vẫn đang được theo dõi, chưa có dấu hiệu sốc. Hiện, các bác sĩ nhắc nhở gia đình cho bé uống nhiều nước, theo dõi nếu có dấu hiệu nặng, tùy tình trạng sẽ có hướng điều trị phù hợp.
“Từ đầu năm đến nay, tình hình sốt xuất huyết ghi nhận tại khoa không có diễn biến phức tạp. Song, bắt đầu mùa mưa, các phụ huynh cần đặc biệt phòng ngừa bệnh này, theo dõi sát các bé, nhất là đối với những bé sốt.
Không phải mọi bé sốt đều bị sốt xuất huyết nhưng nếu bé được phụ huynh đưa đến khám, tư vấn hoặc cận lâm sàng sớm, nghi ngờ gì có thể xử trí ngay”, bác sĩ Tuân đưa ra lời khuyên.
Những dấu hiệu cần biết
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không đưa con đi thăm khám lại, tuy nhiên sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, thân nhiệt giảm không có nghĩa người bệnh đang hồi phục.
Ngành y tế đặc biệt khuyến cáo các bậc phụ huynh không được chủ quan trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho trẻ.
Riêng trường hợp nhẹ, được bác sĩ cho theo dõi tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol đúng cách để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao.
Đối với dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng, bệnh nhân sẽ mệt, đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy ngày trước khóc nhiều, nay lả đi.
Một số bệnh nhân đau tức vùng gan hoặc đau khắp bụng. Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều), chảy máu chân răng… Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng.
Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4 – 6 giờ, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…