Chị Nguyễn Thu Trang (quận Gò Vấp, TPHCM) có con chuẩn bị vào lớp 1, vì lo lắng cho sức khỏe thị lực của bé nên chị đã đưa con đi khám mắt. Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, bé được chẩn đoán bị cận thị 0,25 diop ở mức độ nhẹ và cần được theo dõi cẩn thận.
“Kể từ khi đưa con đi khám về, tôi thường xuyên nhắc nhở bé khi thấy bé sử dụng thiết bị điện tử lâu hoặc đọc sách quá gần. Đồng thời, tôi cũng chú trọng hơn đến việc bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt của con, với hy vọng tình trạng thị lực của con sẽ được cải thiện,” chị Thu Trang chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe dinh dưỡng cho mắt trẻ em Việt Nam, ngày 23.8, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế), Bệnh viện Mắt Trung ương, và Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF đã tổ chức “Hội thảo Khoa học nâng cao hiểu biết dinh dưỡng bảo vệ mắt trẻ em Việt Nam”.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đông – Phó Giám đốc quản lý và phụ trách điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương, số lượng trẻ em được phát hiện mắc các tật khúc xạ hiện nay tăng lên so với trước do phụ huynh bắt đầu quan tâm và chủ động đưa con đi khám. Các bệnh thường gặp bao gồm cận thị, viễn thị, và loạn thị. Trong đó, viễn thị và loạn thị là các bệnh lý bẩm sinh, nhưng cận thị có nhiều yếu tố gây ra, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, số lượng trẻ mắc cận thị tăng do ở nhà và sử dụng thiết bị điện tử nhiều.
Một trong các nguyên nhân gây ra cận thị là ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như các thiết bị điện tử. Theo nhiều nghiên cứu, mắt trẻ em hấp thụ ánh sáng xanh nhiều hơn so với người lớn. Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều có thể gây ra mỏi mắt, khô mắt, nhìn mờ, và ảnh hưởng đến sự phát triển của thị lực, bao gồm cận thị.
Các chuyên gia cho biết, ngoài các yếu tố tác động từ ánh sáng và môi trường sống, nhiều phụ huynh gần đây đã bắt đầu quan tâm đến dinh dưỡng cho mắt.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, các dưỡng chất như Lutein và Zeaxanthin được coi là “trợ thủ” tăng cường thị lực, cùng với vitamin A – dưỡng chất thiết yếu nhất cho mắt.
Lutein và Zeaxanthin đóng vai trò quan trọng trong việc tạo màu vàng cho điểm vàng của võng mạc, giúp thu nhận và làm rõ nét hình ảnh, đảm nhận tới 90% thị lực. Hai loại dưỡng chất này được tìm thấy nhiều nhất ở các loại rau xanh lá đậm và hoa quả màu vàng, đỏ. Ngoài ra, việc bổ sung thực phẩm chứa vitamin A cũng rất cần thiết cho việc duy trì các tế bào cảm giác ánh sáng của mắt, giúp mắt sáng khỏe. Sự phát triển thị giác của trẻ dưới sáu tuổi rất quan trọng và cần được bổ sung thêm các dưỡng chất cho mắt. Đây là giai đoạn vàng cần bảo vệ và bổ sung dinh dưỡng cho mắt trẻ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/can-dam-bao-dinh-duong-cho-tre-nham-giam-cac-benh-ve-mat-1383818.ldo