Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người hay bị khàn tiếng, ho, thậm chí bị mất cả giọng nói. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc cũng như sinh hoạt sau Tết.
Những ngày cận Tết, chị Nguyễn Lan Anh (quận Tân Bình, TPHCM) tham gia nhiều tiệc mừng xuân cùng bạn bè và gia đình, ăn uống, vui chơi và hát hò.
“Mấy ngày nay, cổ họng tôi đau rát, khàn tiếng, nhiều lúc không thể nói được. Càng nói chuyện, cổ họng càng đau” – chị Lan Anh cho biết.
Theo ThS.BS Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, những hoạt động vui chơi, ca hát, uống nhiều bia rượu ngày Tết dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây khàn tiếng, mất giọng.
Để phòng ngừa khàn tiếng, mất giọng trong và sau Tết, bác sĩ Thúy Hằng đưa ra những cách phòng ngừa:
Hạn chế uống rượu bia
Mất nước là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau hoặc khô cổ họng sau khi uống rượu. Các loại rượu, cocktail, thậm chí là tần suất nói, âm lượng giọng nói trong bữa tiệc đều góp phần gây ra đau, rát họng dẫn đến khàn tiếng, tắt tiếng.
Uống nhiều nước
Dịp Tết, nhiều người thường hoạt động, di chuyển nhiều cùng với việc uống nhiều rượu bia nên cơ thể sẽ cần được cung cấp nhiều nước hơn bình thường. Ngoài nước lọc, có thể uống nước ép trái cây tự nhiên để cấp nước và vitamin cho cơ thể.
Giữ ấm cổ họng
Viêm họng, ho là nguyên nhân phổ biến gây khàn giọng, mất giọng. Hạn chế uống nước đá lạnh vì có thể làm kích ứng họng gây ho và viêm dẫn đến khàn giọng.
Súc họng bằng nước muối sinh lý
Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý mỗi sáng khi thức dậy để phòng ngừa viêm họng gây khàn tiếng, mất giọng.
Lưu ý nên dùng nước muối sinh lý tiêu chuẩn, loại đóng chai có bán tại các nhà thuốc thay vì tự pha. Nồng độ nước muối quá đậm có thể gây kích ứng niêm mạc miệng và họng, trong khi nồng độ quá nhạt lại ít tác dụng.
Hạn chế ăn đồ chua, cay
Việc ăn quá nhiều thực phẩm chua, cay có thể gây kích ứng họng. Các món ăn chua cay như kim chi, dưa muối, hành muối… còn có thể gây khó chịu dạ dày, làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày thực quản ở những người mắc bệnh này. Trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân phổ biến gây ho, viêm họng, khàn giọng.
Ngậm kẹo thảo dược
Thời tiết khô lạnh ngày Tết làm khô đường hô hấp. Có thể ngậm các loại kẹo thảo dược như kẹo gừng, kẹo bạc hà để làm ẩm cổ họng. Các loại kẹo có thành phần từ mật ong cũng giúp cổ họng không bị khô.
Nghe nhạc hoặc hát karaoke với mức âm lượng vừa phải
Các phòng karaoke, các hội trường thường được trang bị loa công suất lớn. Vì vậy, mức âm thanh phát ra rất to. Điều này có thể khiến bạn phải cố gắng nói, hát to hơn. Từ đó, gây tổn thương dây thanh quản khiến giọng bị khàn hoặc mất giọng sau đó.
Để phòng ngừa tình trạng này, nên điều chỉnh loa sao cho khi bạn nói bình thường mà người ngồi bên cạnh vẫn nghe được rõ. Đây là mức âm lượng an toàn cho cả tai và giọng nói.
Hạn chế hút thuốc lá
Khói thuốc lá gây ra hiệu ứng viêm niêm mạc của đường hô hấp như đỏ, sưng, tăng sản xuất chất nhầy, và sự dày lên của màng nhầy. Các hạt khói và hơi nóng từ khói khi hít vào cũng gây tổn thương màng nhầy, dẫn đến khàn tiếng, mất giọng.
Phòng ngừa cảm cúm
Cảm cúm gây ho sốt có thể dẫn đến khàn giọng, mất giọng. Lưu ý giữ ấm cơ thể, tránh tắm khuya, sinh hoạt và ăn uống điều độ để đảm bảo hệ miễn dịch luôn hoạt động tốt.