Những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng tăng axit uric trong máu, mắc bệnh gút hơn nên việc giảm cân có thể thúc đẩy việc giảm nồng độ axit uric một cách hiệu quả.
Việc lựa chọn chế độ ăn ít chất béo chính là cách giúp người bệnh kiểm soát cân nặng tốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, người bệnh gút phải giảm cân từng bước một, giảm cân quá nhanh sẽ tạo ra một lượng lớn thể xeton, purin trong cơ thể, làm tăng nồng độ axit uric và thúc đẩy các đợt tấn công của bệnh gút.
Ngoài ra, muối, ớt, hạt tiêu và các loại gia vị nặng, gây kích ứng có thể thúc đẩy sản xuất purin hoặc lắng đọng axit uric.
Bia, rượu là điều cấm kỵ đối với người có axit uric cao vì chứa hàm lượng purin cao và các thành phần trong bia có thể cản trở quá trình chuyển hóa axit uric. Rượu có thể làm tăng nhanh nồng độ axit uric trong cơ thể bằng cách thúc đẩy quá trình phân hủy purin và ức chế sự bài tiết axit uric của ống thận.
Đồ uống ngọt và mật ong cũng sẽ đẩy nhanh quá trình tổng hợp axit uric do hàm lượng fructose cao. Nếu bạn đang bị bệnh gút hoặc mức axit uric của bạn đã ở mức cao thì uống nước lọc hoặc trà nhẹ sẽ tốt cho sức khoẻ hơn.
Đồng thời, bổ sung rau và trái cây có tính kiềm, giàu nước, khoáng chất, vitamin, không chỉ có thể bổ sung lượng dinh dưỡng cho người bệnh mà còn có thể làm tăng giá trị pH của nước tiểu, giúp axit uric trong cơ thể chuyển hóa nhanh nhất có thể.