THIỆN NHÂN (THEO. ONLYMYHEALTH) – Chủ nhật, 25/08/2024 12:00 (GMT+7)
Bệnh gan ở trẻ em là gì?
Theo Tiến sĩ Sufla Saxena, Trưởng khoa Tiêu hóa và Gan nhi, Bệnh viện Manipal, Dwarka, Ấn Độ, bệnh gan nhi là một loạt các rối loạn ảnh hưởng đến gan ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.
Mặc dù các tình trạng bệnh ở từng mức độ phổ biến khác nhau. Tuy nhiên, các bệnh gan ở trẻ em phải cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như suy gan.
Các bệnh gan thường gặp ở trẻ em
Teo đường mật: Đây là một căn bệnh hiếm gặp, trong đó các ống dẫn mật bị tắc hoặc không có, dẫn đến tổn thương gan và xơ gan. Bệnh thường xuất hiện trong vài tuần đầu đời.
Viêm gan: Tình trạng viêm gan do nhiễm virus (như viêm gan A, B và C), các bệnh tự miễn hoặc ngộ độc thuốc.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Tình trạng bệnh gan này ngày càng phổ biến ở trẻ em do tỷ lệ béo phì gia tăng vì nó liên quan đến sự tích tụ chất béo trong các tế bào gan, có khả năng dẫn đến viêm và sẹo.
Bệnh wilson: Đây là một rối loạn di truyền gây tích tụ đồng quá mức, gây tổn thương gan và các cơ quan khác.
Hội chứng alagille: Đây là một tình trạng di truyền ảnh hưởng đến ống mật, tim, mắt và xương, gây ra bệnh gan mạn tính.
Triệu chứng bệnh gan ở trẻ em
– Vàng da
– Đau bụng
– Sưng chân
– Nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu
– Mệt mỏi
– Chán ăn và sụt cân
– Da ngứa
– Buồn nôn và nôn
Những yếu tố nào khiến trẻ em có nguy cơ mắc bệnh gan?
Theo Quỹ Gan Hoa Kỳ (ALF), một số bệnh gan ở trẻ em có thể xảy ra do vấn đề tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể. Ngoài ra, các bệnh di truyền, thường được di truyền từ một hoặc cả hai cha mẹ nhưng có thể là đột biến mới, chẳng hạn như bệnh ứ mật trong gan gia đình tiến triển (PFIC).
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh gan, béo phì, lối sống ít vận động, nhiễm virus viêm gan và tiếp xúc với độc tố.
Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro?
Theo Tiến sĩ Saxena, nếu muốn bảo vệ con mình thì dưới đây là một số biện pháp cần thực hiện:
– Khám định kỳ là điều cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.
– Phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa hoặc di truyền.
– Hạn chế tiếp xúc với hóa chất và thuốc có hại.
– Tăng cường hoạt động thể chất thường xuyên để duy trì cân nặng khỏe mạnh.
– Khuyến khích chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
– Đảm bảo tiêm vaccine phòng viêm gan A và B đầy đủ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/cac-benh-ly-gan-thuong-gap-o-tre-em-1384197.ldo