Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm đủ mũi, đúng lịch cho trẻ em. Phải tiêm vét, tiêm bù với những trẻ thiếu mũi, bỏ mũi.
Bệnh sởi đã được khống chế bằng vaccine nhưng thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng, vì thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy nhiều trẻ không có miễn dịch.
Sởi có chu kỳ 4-5 năm sẽ bùng một đợt dịch lớn. Dù tỉ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm có nguy cơ mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao vì khả năng lây lan của sởi là rất mạnh, có thể nói những ai chưa được tiêm chủng mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có thể bị lây bệnh.
Năm 2014 và 2019 là hai chu kỳ dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt năm 2014 đã có hơn 100 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Năm 2024 theo chu kỳ 5 năm, có thể bùng phát dịch. Để phòng bệnh, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Về nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm theo ông Phu một phần là do vấn đề tiêm vaccine còn “khoảng trống”, miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.
Ngành Y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vaccine đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua do thiếu vaccine vì dịch COVID-19 thì hiện nay và thời gian tới cần phải tiêm vét, tiêm bù.
Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vaccine nhưng vẫn có thể mắc bệnh theo PGS Trần Đắc Phu, là chuyện khá bình thường vì vaccine đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.
Sở dĩ như vậy là bởi tác dụng của vaccine cao nhất chỉ đạt hiệu quả 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vaccine chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Nhưng người đã tiêm vaccine phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
Đặc biệt, với vaccine phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét để hạn chế tối đa các “khoảng trống” tiêm chủng.
Bộ Y tế vừa phát động các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024” với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh” và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/bu-lap-khoang-trong-tiem-chung-1384314.ldo