Liên quan đến đề xuất thí điểm thuốc lá điện tử (TLĐT), Bộ Công Thương cho biết, chỉ đề xuất cấp phép thí điểm với thuốc lá nung nóng và nói loại này có sợi thuốc và không có hại, chưa từng gây ra hậu quả gì.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết:
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó, ngành Y tế là nòng cốt.
Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá, với những hậu quả to lớn của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài ra, chúng ta đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác PCTH thuốc lá và cần phải tập trung, nỗ lực để làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, vì vậy, Bộ Y tế nhất quán quan điểm cấm cấp phép đối với TLĐT và thuốc lá nung nóng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng”.
WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (COP8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỉ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ.
Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Trước đó, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm nhất quán của bộ từ trước đến nay, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại có nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ nên đề xuất cấm.
Về lý do đề xuất cấm, bà Lan nêu rõ, căn cứ vào nghị quyết của Đảng, căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và các tác hại, bài học kinh nghiệm quốc tế rất rõ ràng.
“Quan điểm của Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm”, bà Lan tái khẳng định và nêu rõ tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là khôn lường.
Bộ trưởng Lan dẫn lại số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá.
“Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ có nên mở ra cho thử, thí điểm hay không? Mai sau mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó, ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng, tính mạng của người dân Việt Nam? Chúng tôi đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng…”, bà Lan nói.
Bộ Y tế chỉ rõ, Tổ chức Y tế thế giới đã có cân nhắc trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quốc tế, nên việc cấm không có gì phải băn khoăn, suy nghĩ nhiều. Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ cấm, còn dưới hình thức nghị quyết, sửa luật… là do các cơ quan nhà nước.