108.000 tỉ đồng mỗi năm cho khám chữa bệnh liên quan thuốc lá
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức Chính trị – xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
“Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng một năm”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.
Đồng thời, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở nơi công cộng, nơi làm việc và ở hộ gia đình. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá.
Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Kịp thời ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho hay, với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 24.5.2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030. Trong đó, giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng”.
Vào ngày 13.5 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ: “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá là một chủ đề rất gần gũi với trái tim tôi. Tôi là mẹ của hai cô con gái nhỏ. Là cha mẹ, công việc của tôi là làm mọi thứ trong khả năng của mình để mang lại cho con gái tôi cơ hội tốt nhất có thể để sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Với tư cách là Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, công việc của tôi là làm việc cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế và các tổ chức khác để đảm bảo rằng mọi trẻ em ở Việt Nam đều có thể sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Để đạt được điều này, chúng ta phải bảo vệ trẻ em chống lại tác hại của thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới và chống lại các chiến thuật quảng cáo của ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm lôi kéo và gây nghiện cho mọi người sử dụng các sản phẩm này khi họ còn nhỏ”.