Ngày 26.8, nguồn tin của Báo Lao Động xác nhận, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn đang điều tra, làm rõ vụ việc bệnh nhân N.T. tử vong tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột sau khi phẫu thuật thủ thuật thay van tim qua da.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột là bệnh viện hạng III. Bệnh viện hạng III thường xếp hạng ngang hàng với bệnh viện tuyến quận, huyện ở các tỉnh, thành phố.
Trong danh mục loại hình khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành thì bệnh viện hạng III có thể triển khai thay van động mạch chủ qua da. Thế nhưng, điều kiện để thực hiện là các bác sĩ phải đủ tín chỉ theo quy định hiện hành, có chuyên môn, được người có trình độ (đủ điều kiện phẫu thuật – PV) cầm tay chỉ việc, hướng dẫn.
Đặc biệt, ngoài những yếu tố này, để đủ điều kiện phẫu thuật thay van tim qua da, bệnh viện trước đó phải chuyển giao ca bệnh thành công. Bệnh viện có báo cáo chi tiết và được cấp có thẩm quyền công nhận.
“Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột chưa phẫu thuật thành công thay van tim qua da cho bất kỳ trường hợp nào. Quá trình van động mạch chủ qua da cho bệnh nhân N.T.Â, cơ sở vật chất Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột vẫn thiếu, chưa đạt chuẩn. Đây là thiếu sót rất nguy hiểm” – nguồn tin Báo Lao Động phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Minh Thành – Giám đốc Đại học Y dược Buôn Ma Thuột cho rằng, bệnh viện vẫn chưa làm ca phẫu thuật thay van tim qua da nào thành công. Chính vì vậy, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai mới vào để cùng xử lý trường hợp của bệnh nhân N.T.Â.
Theo ông Thành, Sở Y tế vẫn chưa có đầy đủ thông tin, lập luận trong vụ việc này. Nếu bệnh viện không phẫu thuật thay van động mạch chủ, hướng đến sự an toàn cho đơn vị, tránh rủi ro thì bệnh nhân ở Đắk Lắk mãi cứ về Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị. Vì ở tỉnh chưa có đơn vị nào làm được.
“Trong nghề y khoa có nghiệt ngã đó là không phải ca phẫu thuật nào cũng thành công. Không ai có tư lợi gì trong vụ việc này cả, bệnh nhân được hỗ trợ nhiều… Sai sót về một vài thủ tục hành chính không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tử vong của bệnh nhân” – ông Thành nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Lao Động thông tin bài viết “Bệnh nhân tử vong bất thường sau khi thay van động mạch chủ”.
Ngày 12.8, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thành lập Hội đồng chuyên môn bao gồm 9 thành viên đánh giá trường hợp bà Â tử vong.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, khi xảy ra biến chứng, tai biến thì việc chỉ định mở ngực là chưa phù hợp vì chưa có đội ngũ phẫu thuật tim, chưa có tuần hoàn ngoài cơ thể và các máy móc hỗ trợ hồi sức tim. Bác sĩ điều trị chưa thực hiện CT tim nên chưa đánh giá được tổn thương cấu trúc van tim và cơ tim.
Ngoài ra, còn có một số sai sót về quy chế hội chẩn như quy trình hội chẩn không theo quy định, chưa hội chẩn cấp khoa, liên khoa, cấp toàn viện trước khi mời chuyên gia, chưa hội chẩn ngoại khoa trước mổ.
Ông Võ Minh Thành – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xác nhận, trường hợp tử vong của bà Â tại bệnh viện về khách quan là tai biến chuyên môn trong kíp các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào xử lý, tiến hành thủ thuật.
Tuy nhiên, các bác sĩ trong quá trình triển khai thủ thuật cho bệnh nhân  đã có một số sai sót. Bên cạnh đó, các bác sĩ từ Hà Nội vào tỉnh Đắk Lắk không có chương trình báo trước với lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột.
Hiện, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc xác minh vụ bà N.T. tử vong sau khi thay van động mạch chủ tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/benh-vien-thay-van-dong-mach-chu-khi-chua-du-dieu-kien-1385012.ldo