Từ chủ quan khiến bệnh thêm trở nặng
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến trung tuần tháng 8.2024, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc dịch bệnh sốt xuất huyết.
Vừa khỏi bệnh sốt xuất huyết, anh N.T.Q (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) – cho biết: “Đầu tháng 8 tôi bị sốt cao. Lúc này tôi cứ nghĩ mình bị thương hàn nên mua thuốc về uống và có đỡ nhẹ. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, người mệt nhừ, sốt cao tôi mới nhập viện điều trị và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết”.
Theo anh Q, sau khi nhập viện anh phải nhập viện điều trị một tuần mới khỏi. Bác sĩ nói rằng nếu anh không chủ quan thì bệnh tình không diễn biến nặng, lúc đó điều trị sẽ nhanh hơn.
Ông Phạm Hồng Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên – thông tin, từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, nhóm bệnh nhân mắc bệnh nặng có gần 50 người.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Khi nhiễm, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ ba, dẫn tới tâm lý chủ quan.
Thực tế, khi mắc sốt xuất huyết, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là những ngày nguy hiểm nhất. Vì thế, người dân cần phải chú ý các biểu hiện trong những ngày này vì dễ dẫn đến tình trạng sốc do thoát huyết tương.
“Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bệnh nhân nôn ói nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, có các biểu hiện thần kinh như bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi…” – ông Lâm cho biết thêm.
Số ca nhiễm vẫn gia tăng
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết cũng liên tục tăng. Tại khoa Nhi Tổng hợp của bệnh viện, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 130 trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Có không ít trường hợp bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết.
Bên cạnh những trường hợp bệnh nhi nặng do nhập viện trễ thì có nhiều trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết ở thể nặng. Khi trẻ nhập viện đã ở tình trạng sốc, nôn ra máu, thoát huyết tương… sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.
Ông Hoàng Ngọc Anh Tuấn – Trưởng Khoa Hồi sức – Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên – thông tin, ý thức của người dân trong việc chủ động phòng cũng như nhập viện điều trị sớm cho trẻ khi mắc bệnh đã nâng lên rõ rệt hơn những năm trước.
Tuy nhiên, người dân cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, nhất là đối với những trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có bệnh lý nền, trẻ béo phì…Vì các trường hợp này rất dễ trở nặng khi mắc nhiễm bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm vi rút rồi truyền sang cho người bình thường.
Bệnh có 3 giai đoạn chính bao gồm sốt, nguy hiểm và phục hồi. Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/benh-tinh-tro-nang-vi-tu-dieu-tri-sot-xuat-huyet-1378945.ldo