Theo Sở Y tế TPHCM, trong năm 2022 (từ tháng 5 đến tháng 12), thành phố bị gián đoạn nguồn cung ứng vaccine sởi, sởi – rubella từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, khiến nhiều tháng không đủ vaccine cho tiêm chủng mở rộng, hệ quả là đã có nhiều trẻ không được tiêm vaccine đúng lịch tiêm, đây là nguyên nhân sẽ làm giảm miễn dịch cộng đồng trong phòng bệnh sởi.
Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi, kết quả cho thấy tỉ lệ trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi cư trú tại TPHCM có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%. Trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì việc duy trì tỉ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng đã thực hiện đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi theo Bộ công cụ đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi của Tổ chức Y tế thế giới, kết quả cho thấy, toàn TPHCM đang ở mức nguy cơ rất cao bùng phát dịch.
Tính từ đầu năm đến ngày 9.6.2024 tại TPHCM đã ghi nhận 16 trường hợp bệnh sởi và đã xác định có 3 ổ dịch tại quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và Bình Chánh. Trong 16 trường hợp trên thì có 68,8% trẻ dưới 2 tuổi; 93,8% trẻ dưới 5 tuổi; 84,6% trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, số ca bệnh sởi tập trung ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và có thể khẳng định những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh.
Sở Y tế cũng nhận định rằng, nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát và lan rộng toàn thành phố nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế đề xuất UBND TPHCM chấp thuận chủ trương triển khai chiến dịch tiêm bổ sung cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sống trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế cũng đề xuất UBND TPHCM chấp thuận sử dụng vaccine phối hợp phòng bệnh sởi – rubella trong đợt tiêm chủng này vì đây là vaccine đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cũng thuộc danh mục vaccine bắt buộc sử dụng đối với người có nguy cơ mắc bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Kinh phí dự kiến mua sắm vaccine sởi – rubella, dung môi sởi – rubella, tập huấn, truyền thông và các chi phí khác khoảng 4,3 tỉ đồng, sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế năm 2024 của Sở Y tế.