Sau một thời gian dài ho, nghĩ mình bị viêm họng nên chỉ ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc, anh L.T.K (35 tuổi, huyện Hóc Môn, TPHCM) sức khỏe ngày càng suy kiệt. Cơn ho kéo dài khiến anh vô cùng mệt mỏi, nên quyết định đến bệnh viện khám.
Tại bệnh viện, anh K được thực hiện làm các chẩn đoán lâm sàng, chụp X-quang, kết quả được bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc lao phổi cần điều trị càng sớm càng tốt, vì lúc này chức năng phổi vẫn hoạt động được.
Hay trường hợp của anh Trương (ở TPHCM), khi nhập viện đã ở trong tình trạng lao phổi nặng. Chụp X-quang phim thể hiện một phần phổi đã tổn thương nghiêm trọng, khó có khả năng hồi phục.
Anh Trương cho biết, trước kia chỉ nghĩ đơn giản là ho, cảm thông thường, đến khi lên cơ sốt và ho liên tục anh mới chú ý đến sức khỏe của mình. Hiện tại, anh Trương được điều trị tích cực, theo dõi trong một thời gian dài để bệnh không tiến triển nặng hơn.
Theo TS-BS Nguyễn Hải Công, Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi – Bệnh viện Quân y 175, hiện nay, mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 120-130 trường hợp đến khám ngoại trú, trong đó, 5-7 ca được phát hiện có tổn thương nghi ngờ lao, phổi. Trong đó, người trẻ chiếm tỉ lệ cao.
Đa phần người trẻ hiện nay ở giai đoạn bệnh mới khởi phát những cơn ho đều chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi bệnh nặng mới đi khám.
Việt Nam đang ứng dụng các công nghệ hiện đại vào điều trị bệnh lao, mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt căn bệnh này.
Trong những năm qua, ngành y tế TPHCM đã xây dựng được mạng lưới phòng chống lao trải đều các quận, huyện. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được cập nhật, đáp ứng tốt trong công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh với mục tiêu kiểm soát, chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Đơn cử như Bệnh viện Quân y 175 nằm trong hệ thống mạng lưới chống lao quốc gia. Bệnh viện đã áp dụng mô hình 2-X (X-quang và Xpert) để tầm soát bệnh.
Trước đây, chỉ có dùng phương pháp kinh điển là X-quang kết hợp triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm đờm để tầm soát nhưng tỉ lệ tìm được vi trùng lao thấp. Tuy nhiên, hiện khi đưa mô hình 2-X vào tầm soát đã nâng cao độ nhạy chẩn đoán.