Thứ sáu, 08/03/2024 19:28 (GMT+7)
–Cho tới nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.
Bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, đây là một loại trực khuẩn có hai đầu, không di động, tồn tại trong cơ thể người có sức đề kháng yếu. Vi khuẩn này thường phát triển tốt trong môi trường Bordet- Gengou có thạch máu cùng với những khuẩn lạc điển hình. Khi vi khuẩn đi ra môi trường chúng bị tác động bởi các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ bên ngoài và thường chết sau một giờ.
Triệu chứng lâm sàng: Thường chia làm 3 thể là thể thông thường điển hình, thể thô sơ và thể nhẹ.
Thể thông thường điển hình: hay gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng, thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Đặc điểm lâm sàng của nhóm bệnh này thường chia làm các giai đoạn: Khởi phát, toàn phát, giai đoạn lui bệnh và hồi phục.
– Giai đoạn khởi phát: Biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.
– Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài từ 1-2 tuần, với trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc, cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.
– Thời kỳ lui bệnh và hồi phục: kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Tuy nhiên, ở một số trẻ có thể có những cơn ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.
Thể thô sơ và thể nhẹ: Triệu chứng thường giống cảm thường, ho hắt hơi nhiều, không khạc đờm nhiều. Gặp ở trẻ đã được tiêm vaccin phòng bệnh ho gà nhưng kháng thể thấp và tồn tại ngắn. Thể này thường khó chẩn đoán.
Biến chứng của bệnh như nhiễm trùng bội nhiễm (viêm phổi, viêm tai giữa); Suy hô hấp (do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi), suy tuần hoàn; Tăng áp lực động mạch phổi.
Điều trị: Cần điều trị sớm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc ho gà. Mục tiêu điều trị là hạn chế biến chứng, hạn chế cơn ho, theo dõi mức độ nặng của cơn ho và hỗ trợ người bệnh khi cần, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân hồi phục không di chứng.
Phòng bệnh: Trẻ nhập viện cần được thực hiện các biện pháp dự phòng chuẩn, các biện pháp dự phòng lây qua đường hô hấp được khuyến cáo ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh. Nên cách ly trẻ 3-4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, giảm các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và những người chăm sóc trẻ ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Tiêm phòng cho những người tiếp xúc gần cũng nên được xem xét.
Tiêm phòng: Thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.