Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc đậu mùa khỉ (trong đó có 2 ca ghi nhận trong năm 2022), 6 ca tử vong. Các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu tại TPHCM. Các ca bệnh chủ yếu là nam (chiếm 98,5%), tuổi trung bình khoảng 31, trong đó 70% là MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) và 55% ca bệnh nhiễm HIV.
TS.BS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Hiện ca bệnh tập trung chủ yếu ở miền Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới người dân về quê ăn Tết, tăng cường giao lưu nên các tỉnh khác ở miền Bắc, Trung, Tây Nguyên cũng cần cảnh giác mầm bệnh xuất hiện. Hiện nay chưa có xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ nào được cấp phép tại nước ta.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, trong tổng số 113 bệnh nhân tại TPHCM, hầu hết đều đã khỏi bệnh, có 6 ca bệnh tử vong là những người nhiễm HIV. 10 trường hợp còn cách ly điều trị (gồm 4 trường hợp cách ly tại nhà và 6 trường hợp cách ly tại bệnh viện).
Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, 100% ca bệnh có địa chỉ TPHCM là nam giới, có phát hiện một vài ca là nữ giới, cư ngụ tại các tỉnh và có quan hệ tình dục với nam giới bị đậu mùa khỉ.
Tại Hà Nội, để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và lây lan trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại Việt Nam để kịp thời tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tiễn.
Mặt khác, phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài ra, CDC thành phố chủ động tổ chức tập huấn lại, tập huấn cập nhật về hướng dẫn giám sát, kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan.
Đối với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị này tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, các cơ sở khám chữa bệnh, phòng da liễu, các cơ sở điều trị ARV, Methadone phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời, thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để phối hợp điều tra xử lý khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Cùng với đó, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các bệnh viện trong và ngoài công lập, khoa truyền nhiễm, phòng khám chuyên khoa da liễu, các cơ sở điều trị ARV, Methadone chủ động khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử, yếu tố dịch tễ phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
“Trong trường hợp nếu phát hiện ca bệnh nghi ngờ phải liên hệ ngay với Trung tâm Y tế trên địa bàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, thu thập bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch”, Sở Y tế Hà Nội lưu ý.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực trong công tác khám, tổ chức tốt phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo, nhất là hạn chế thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế, không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.