Một người tử vong vì bệnh bạch hầu, hàng trăm người tiếp xúc
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong trên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong do bạch hầu.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, trường hợp dương tính với bạch hầu là M.T.B, 18 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hòa, thường trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. 15 người tiếp xúc gần với nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh bạch hầu được cách ly theo dõi. Như vậy, đã có 134 người bị cách ly liên quan đến hai nữ sinh.
BSCKI Vũ Văn Hoàn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) – cho biết, 15 trường hợp trên đang được cách ly tại phòng trọ. Thông tin kết quả xét nghiệm bước đầu, các trường hợp này đều âm tính.
Ngày 25 – 28.6, M.T.B và M.T.S về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT, ở cùng phòng với một người mắc bệnh bạch hầu. Khi quay lại Bắc Giang, B và S đau họng, cùng lúc đó cả hai biết người bạn cùng phòng ở Nghệ An trước đây đã mất vì bạch hầu nên tự mua thuốc kháng sinh uống.
B làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với bạch hầu. Nữ sinh cũng được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) để điều trị. Còn S và các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đã được cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa thu dung và đưa vào khu vực cách ly.
Ngày 9.7, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân 18 tuổi ở Bắc Giang dương tính với bạch hầu, hiện không sốt, không có triệu chứng điển hình của bệnh, sức khỏe ổn định.
Bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh là một trong những căn nguyên gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, hiện nay nhờ chương trình tiêm chủng, bệnh đã giảm rõ rệt và ít gặp hơn, tỉ lệ tử vong giảm nhiều. Những lần bệnh bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc phải kể tới gần đây nhất vào khoảng tháng 9.2023, tại 2 tỉnh Hà Giang và Điện Biên, dịch bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng 2 người (có 1 thiếu niên 15 tuổi) và hàng chục người khác phải cách ly điều trị.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) – cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B.
Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ nung bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí hay tiếp xúc với da người mắc bệnh; bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh. Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
“Điểm nguy hiểm nữa của bệnh là tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao” – PGS Phu khuyến cáo.
Tại Việt Nam hiện nay không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ duy trì vaccine phối hợp, trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.
Vaccine phòng bệnh này được cung cấp qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc tiêm mất tiền tại các cơ sở tiêm chủng. Thống kê cho thấy hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ bằng vaccine từ năm 1985. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến cuối 2023, do dịch COVID-19 và những khó khăn về nguồn cung sau đó, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng xảy ra trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng của trẻ.
Cũng theo PGS Phu, khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do chưa tiêm chủng và do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng, lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác.