Tại lễ kỉ niệm 55 năm ngày thành lập ngày 11.7, TTND.PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2023, bệnh viện đã khám, chữa bệnh an toàn, chất lượng, chuyên sâu cho gần 1,2 triệu lượt bệnh nhi ngoại trú và hơn 120 nghìn lượt bệnh nhi nội trú, các hoạt động quản lý bám sát tình hình thực tế và sự biến đổi của mô hình bệnh tật. Chất lượng chuyên môn của bệnh viện tiếp tục nhận được sự tin tưởng của người bệnh trên khắp cả nước.
Đặc biệt, bệnh viện liên tục phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao giúp điều trị cho nhiều ca bệnh khó, phức tạp, như: đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não trong phẫu thuật động kinh, ghép gan, ghép thận, ghép tế bào gốc, phẫu thuật tim mạch, gene trị liệu,…
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế. Hàng năm, số lượng người bệnh đến khám không ngừng tăng. Mô hình điều trị người bệnh nội trú cũng có nhiều thay đổi, cùng với đó là trình độ khoa học trên thế giới phát triển cao, bệnh viện luôn phải huy động tốt mọi nguồn lực, tích cực cập nhật kiến thức và xây dựng quy trình, phác đồ khám chữa bệnh hiện đại để cứu chữa được nhiều nhóm bệnh khó, phức tạp, bệnh mới nổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương là nơi Tận tâm – Chất lượng vì sức khỏe Trẻ em Việt Nam. Bệnh viện có mô hình hiện đại, liên hoàn và đồng bộ với hơn 60 Khoa, Phòng, Trung tâm, 1 Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em, hơn 2.000 giường điều trị nội trú. Bệnh viện tự hào có nguồn nhân lực chất lượng cao với hơn 2.200 cán bộ, viên chức, người lao động; quy tụ đội ngũ chuyên gia gần 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II.
Trải qua 55 năm hình thành và phát triển với ý chí phấn đấu và tinh thần đoàn kết, các thế hệ cán bộ, y bác sĩ luôn chủ động nghiên cứu, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ hàng đầu trên thế giới, giúp điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp.
Một số kỹ thuật mới đáng chú ý bao gồm: Kỹ thuật đặt điện cực điện não đồ giám sát dưới màng cứng trước phẫu thuật động kinh đối với các trường hợp động kinh kháng thuốc – lần đầu được thực hiện ở Việt Nam với sự hỗ trợ của các giáo sư Mỹ đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama; kỹ thuật nút dị dạng động tĩnh mạch thần kinh và ngoại biên qua đường tĩnh mạch lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam ở trẻ em. Kỹ thuật này giúp điều trị khỏi hoàn toàn dị dạng động tĩnh mạch tới 85 – 90% mà không cần xạ trị hay phẫu thuật, khắc phục được nhược điểm hay tái phát của kỹ thuật nút dị dạng động tĩnh mạch qua đường động mạch. Tiếp tục thực hiện và đi vào thường quy các kỹ thuật cao như 311 ca lọc máu, 1.088 ca phẫu thuật tim hở, 27 ca ghép tế bào gốc, 26 ca ghép tạng với việc thực hiện tốt đồng bộ quản lý, theo dõi điều trị tốt sau ghép.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển của Bệnh viện trong thời gian tới, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết: “Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyên môn chuyên sâu, đảm bảo chất lượng và sự hài lòng người bệnh, đáp ứng đa dạng các loại hình khám, chữa bệnh, dự phòng và kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; tích cực giúp đỡ và hỗ trợ chuyển giao chuyên môn cho các tuyến. Bệnh viện cũng sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác chuyên môn và quản lý điều hành; đảm bảo đời sống cán bộ, viên chức, người lao động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.