Một số nguyên nhân gây đau bụng kinh dữ dội
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): PMS xảy ra trước khi kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu và có thể gây ra các triệu chứng như chuột rút, thay đổi tâm trạng, đau đầu, đau bụng dữ dội. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết tố.
Đau bụng kinh nguyên phát: Đây là lý do phổ biến nhất gây đau bụng kinh. Nguyên nhân là do các cơn co thắt trong tử cung giúp bong lớp niêm mạc tử cung. Những cơn đau bụng kinh này có thể bắt đầu ngay trước hoặc vào đầu kỳ kinh nguyệt.
U xơ tử cung: Đây là những khối u lành tính, chúng có thể gây chảy máu nhiều và đau dữ dội trong kỳ kinh cùng với các triệu chứng như đau lưng dưới, áp lực vùng chậu và đi tiểu thường xuyên.
Bệnh lạc nội mạc tử cung: lạc nội mạc tử cung liên quan đến niêm mạc tử cung phát triển vào thành cơ của tử cung. Điều này có thể gây ra đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là một rối loạn nội tiết tố có thể gây ra kinh nguyệt không đều và chuột rút đau đớn. Phụ nữ mắc PCOS thường có mức androgen cao hơn, dẫn đến các vấn đề như mụn trứng cá, tăng cân và mọc nhiều lông.
Bệnh viêm vùng chậu: Đây là một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ, thường do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra. Nó có thể dẫn đến đau vùng chậu mãn tính, bao gồm cả đau bụng kinh.
Vòng tránh thai: Khi đặt vòng tránh thai, đặc biệt trong tháng đầu một số phụ nữ có thể bị đau bụng dữ dội trong kỳ kinh. Tuy nhiên, cơn đau sẽ giảm dần theo thời gian…
Cách kiểm soát đau bụng kinh một cách tự nhiên
Chườm ấm: Để giảm thiểu đau bụng do kinh nguyệt, hãy sử dụng chườm ấm vào bụng dưới. Cách này làm thư giãn cơ tử cung, cải thiện lưu lượng máu và có thể làm giảm đau bụng kinh ngay lập tức.
Tập thể dục thường xuyên: Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm đau bụng kinh. Tập thể dục làm tăng lưu thông máu và kích thích giải phóng endorphin, hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên.
Thay đổi chế độ ăn uống: Điều chỉnh chế độ ăn uống có thể làm giảm đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt. Kỳ kinh nguyệt sẽ nhẹ nhàng hơn nếu bạn giảm lượng caffeine và đường nạp vào cơ thể mỗi ngày. Việc bổ sung các thực phẩm chống viêm như gừng, nghệ và ăn các loại cá béo cũng rất tốt cho việc điều hòa kinh nguyệt.
Uống trà thảo dược: Uống một số loại trà thảo dược như trà hoa cúc hoặc trà gừng… có thể giúp giảm đau bụng kinh
Quản lý căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và có thể giúp làm dịu cơn đau bụng kinh. Các bài tập như yoga, thiền hoặc bài tập thở sâu có thể giúp thư giãn cơ thể và tâm trí và giảm đau khi kinh nguyệt ghé thăm.
Nguồn tin: https://laodong.vn/suc-khoe/5-cach-giup-kiem-soat-chung-dau-bung-kinh-tu-nhien-1389401.ldo