Thói quen ăn uống không tốt
Nhiều bạn trẻ thường xuyên uống rượu một mình hay trong các cuộc ăn uống với bạn bè, lâu ngày sẽ gây ra suy giảm chức năng gan, kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tăng sản sinh axit uric.
Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là thủ phạm chính khiến axit uric tăng cao. Việc ăn quá nhiều thịt dễ dẫn đến nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Các loại nội tạng động vật, hải sản đều là nguồn sản sinh ra quá nhiều axit uric.
Thực phẩm có hàm lượng purin cao có thể gây rối loạn chuyển hóa và tăng sản sinh axit uric, tinh thể urat quá mức tích tụ trong khớp, gây đỏ, sưng.
Việc uống ít nước, không bổ sung đủ nước hoặc uống nhiều loại đồ ngọt thay nước cũng gây hại cho sức khoẻ. Cơ thể mất nước lâu ngày sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến axit uric không thể bài tiết.
Không tập thể dục
Thiếu vận động lâu ngày dễ làm tăng axit uric và mắc bệnh gút. Tập thể dục có thể kiểm soát cân nặng, tăng cường khả năng tim phổi, kích hoạt chức năng tế bào, nâng cao khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, tập thể dục đều đặn cũng sẽ đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu, axit uric tích tụ trong cơ thể cũng có thể được đào thải nhanh hơn, ngăn ngừa sự tích tụ urat gây ra bệnh gút.
Áp lực cao và thường xuyên thức khuya
Thức khuya là điều không thể tránh khỏi của nhiều bạn trẻ. Làm việc quá sức có thể khiến hệ thần kinh tự chủ của cơ thể bị rối loạn, dễ gây ra hiện tượng co thắt các mạch máu bề mặt và nội tạng. Trong đó, có sự co bóp của mạch máu thận, giảm đào thải axit uric.
Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo thời gian ngủ đủ giấc, điều chỉnh thời gian làm việc, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để ngăn ngừa tăng axit uric.