Nguyễn Thị Thanh Hà (tên nhân vật đã được thay đổi, 40 tuổi, TPHCM), dù sinh con gái đầu lòng năm 2006, sau 3 năm vợ chồng muốn sinh thêm con và thả tự nhiên. Nhưng mỗi lần tin vui đậu thai đến, cơn ác mộng ốm nghén khiến chị Thanh Hà luôn trong tình trạng ăn uống kém, nôn liên tục, thường xuyên tụt huyết áp, ngất xỉu, ảnh hưởng công việc và sinh hoạt hàng ngày. Và liên tiếp 10 lần có thai, chị Hà đều phải đình chỉ thai khi chỉ mới 6 tuần tuổi.
“Nhiều lần vợ tôi bị tụt huyết áp, ngất xỉu, phải nhập viện cấp cứu. Quyết định dừng thai thật sự khó khăn với gia đình đang mong con. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho vợ, tôi không còn lựa chọn nào khác”, anh Dương (tên nhân vật đã được thay đổi) – chồng chị Hà – chia sẻ.
Ám ảnh những lần mang thai trước đó, chị Hà định không sinh thêm con. Nhưng thấy con đầu khao khát có em, vợ chồng lại động viên nhau không tránh thai để có bầu. Tuy vậy, suốt 7 năm anh chị không có tin vui. Họ đến khám tại một cơ sở y tế chuyên điều trị hiếm muộn, làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) một lần nhưng không thành.
Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Lê Hoàng – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), phát hiện chị Hà bị dính niêm mạc buồng tử cung, hai vòi tử cung (vòi trứng) thông không hoàn toàn. Ngoài ra, tuổi cao khiến dự trữ buồng trứng của chị sụt giảm, cơ hội mang thai tự nhiên càng mong manh. Bác sĩ chẩn đoán chị Hà vô sinh thứ phát do hậu quả của việc nạo phá thai.
Bác sĩ Lê Hoàng giải thích, nạo phá thai nhiều lần có thể làm phá vỡ chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn nội tiết, rối loạn kinh nguyệt, suy nhược thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, giảm cảm giác trong quan hệ tình dục,… từ đó giảm khả năng thụ thai.
Ngoài ra, thủ thuật này còn làm thay đổi cấu trúc của buồng tử cung, vòi trứng, gây ra những tổn thương như tắc dính, ứ dịch tại các cơ quan này. Bệnh lý giải phóng độc tố ảnh hưởng đến phôi, cản trở sự tái tạo lớp nội mạc chức năng sau mỗi chu kỳ kinh, ảnh hưởng khả năng làm tổ của phôi thai. Nếu vòi trứng thông không hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng thai ngoài dạ con.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ vô sinh ở nữ giới nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với những người không có tiền sử này. Ước tính, tỷ lệ vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp vô sinh, trong đó 95% là do hậu quả của việc nạo hút thai. Vô sinh do tắc vòi trứng hoặc ứ dịch vòi trứng chiếm tới 40% số vô sinh nữ, trong số này có tới 50% là có tiền sử nạo hút thai.
Để điều trị hỗ trợ sinh sản trong trường hợp này, người bệnh cần được phẫu thuật nội soi tách dính buồng tử cung. Tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt khoảng 60-70%.