Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức triển lãm và tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp”.
Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp” trưng bày gần 30 bức tranh minh họa sinh động và hóm hỉnh của hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, được trích ra từ cuốn sách cùng tên “Thương nhớ thời bao cấp”. Không chỉ giới thiệu đến với độc giả những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao… từng quen thuộc trong thời bao cấp, triển lãm còn khắc họa nên một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn. Thế nhưng, dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội còn vô cùng khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn nữa của cuộc sống thường nhật: cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng… ta vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.
Triển lãm đã khai mạc vào ngày thứ Năm 16/08 vừa qua tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace (Hà Nội). Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi khai mạc:
Còn tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp” là dịp để chúng ta cùng “ôn cố tri tân” thời kỳ bao cấp qua các câu thành ngữ, tục ngữ, các câu cửa miệng và các bài đồng dao, với sự tham gia của các diễn giả chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Họa sỹ Thành Phong và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là một chuyên gia kinh tế nổi bật của Việt Nam. Bà từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết là giảng viên cao cấp thuộc Khoa ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từ 1990 đến 2003. Ông từng đóng vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Họa sĩ Thành Phong sinh năm 1986, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Anh là thành viên nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương, nổi tiếng trong giới truyện tranh trẻ Việt Nam.
Nói về cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp”, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Đội) chia sẻ: “Cuốn sách một lần nữa cho tôi sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, láu cá của dân ta. Thời bao cấp, trong ký ức riêng tôi, đại đa số mọi người còn sạch về phẩm giá. Thương nhớ nó để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác.”
Nhà văn Bảo Ninh (tác giả cuốn sách Nỗi buồn chiến tranh) nhận xét: “Đến tận bây giờ mà tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa ‘thời bao cấp’ choàng tỉnh, biết đấy là bóng đè chứ không phải thật, mừng húm. Sau đó chẳng ngủ tiếp được cứ nằm miên man nhớ lại, nhớ và cười thầm, bao nhiêu là những sự kỳ cục, vừa khô cằn bảo thủ vừa ấu trĩ ngờ nghệch đến đáng thương nơi bản thân mình trong suốt mười mấy năm ròng thời hậu chiến bao cấp. Khổ ải nhiều, buồn thương nhiều, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những chuyện buồn cười, đó là cái thời ấy. Song, đúng như cuốn sách thể hiện, con người thời ấy đề kháng với nỗi khổ không phải bằng sự oán thán, không bằng lời rên rẩm hay ca thán mà bằng thái độ tự trào. Tự trào, đã là một phần sức mạnh giúp chúng tôi tồn tại nổi và vượt qua nổi những năm dài trì trệ để vươn được lên với thời Đổi mới.”
Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng: “Thời bao cấp ai đã sống qua thì biết, ai không sống thời đó thì cũng biết qua, khi đọc sách này với những câu cửa miệng vần vè từ hồi ấy giờ đây trở nên thành ngữ dân gian khắc họa những cảnh ngộ, tình huống trong cuộc sống sinh hoạt của con người làm thành những đặc điểm của một đời sống xã hội vận hành theo một hệ thống cung cấp phân phối duy nhất bao trùm tất cả. “Thương nhớ thời bao cấp” là thương một đời, nhớ một thời, có ngậm ngùi cái đã qua và mừng vui nó đã xa.”
Thông tin về chương trình:
– Triển lãm:
- Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31/08/2018
- Địa điểm: Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội
Vào cửa tự do
– Tọa đàm:
- Thời gian: 9h00 – Thứ Bảy, ngày 18/08/2018
- Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội
- Ngôn ngữ toạ đàm: tiếng Việt
Vào cửa tự do