Đây là một trong những kỹ năng số mà thật tình là ai cũng phải biết, dù bạn là học sinh, sinh viên, đang đi làm, kinh doanh ở bất kỳ độ tuổi nào. Nhiều khi tôi nghĩ, search thông tin thôi mà, có gì đâu mà khó. Nhưng tôi nhận rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là từ các bạn trẻ, hỏi những thứ tôi nghĩ bản thân bạn có thể tự mình tìm kiếm, nghiên cứu là ra, không cần phải đi hỏi người khác. Khi mang câu hỏi quăng vào mặt người khác mà chưa một lần tự mình chủ động, dành thời gian tự tìm hiểu, nghiên cứu, bạn biết bạn đang làm gì không? Là thông báo với người ta là mình làm biếng, mình không có kỹ năng, mình không đủ quan tâm đến chủ đề, mình qua loa cho xong, trả lời cũng được không trả lời cũng chẳng sao. Nó thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu chủ động, thiếu tập trung, thiếu khả năng quản trị và chịu trách nhiệm với bản thân. Mà bản thân mình còn không quản trị được thì nhờ ai?
Gần đây, tôi cũng nhận được câu hỏi, cô ơi cô gởi em list mấy công ty này đi vì em không biết tìm. Trời! Hỏi một câu đứng hình. Thời buổi nào rồi? Nhưng nghĩ lại, có khi bạn này không biết thiệt. Nên tôi đành viết bài này trong một sự trăn trở khó diễn tả, chia sẻ một trong những kỹ năng số cơ bản nhất, không có nó là không làm được chuyện gì trong đời, đó là kỹ năng tìm kiếm thông tin liên quan.
Muốn tìm kiếm thông tin liên quan, cho bất kỳ đề tài gì, trong cuộc sống hay học hành, công việc, sự nghiệp, bạn chỉ cần làm 3 chuyện, và tự mình làm đi. Đừng thấy thời buổi này quăng câu hỏi vào nhà người ta dễ quá thì cứ quăng lung tung trúng ai trúng nha. Hại não người ta và hại uy tín bản thân lắm đó. Hay bạn cũng không quan trọng chuyện người khác có tôn trọng mình không? Ba bước đây:
- Lên kế hoạch tìm thông tin: tại sao cần tìm, tìm gì, tìm ở đâu, khi nào cần?
- Xác định nguồn thông tin
- Thu thập và đánh giá thông tin
Lên kế hoạch tìm thông tin
Vấn đề lớn nhất của người đi tìm thông tin là không dành đủ thời gian để nghĩ thấu đáo về thứ mình đang tìm thật ra mặt mũi nó ra sao. Khi bạn nghĩ sơ sơ, chung chung (lại là bệnh chung chung), lan man, qua loa về một vấn đề, không dành đủ thời gian để tư duy về nó thì làm sao bạn biết vấn đề thực chất nó là gì? Muốn tìm gì, thì vẽ mind map – bản đồ tư duy ra. Vẽ bản đồ những từ khoá liên quan đến chủ đề bạn đang tìm. Một chủ đề, có thể search nhiều từ khoá khác nhau, và phải chịu khó suy nghĩ hết từ khoá quan trọng và chịu khó search hết các từ khoá mới có nhiều nguồn thông tin.
Xác định nguồn thông tin
Sau đó, vẽ mind map nguồn thông tin ra, ngoài “bác Gồ” thì còn có thể tìm thông tin liên quan ở đâu, ví dụ sách, podcast, tài liệu trường / công ty / tổ chức, bài chia sẻ của ai đó đã từng nghe, v.v. Chuẩn bị từ khoá và nguồn tìm kiếm xong rồi thì mới bắt đầu tìm. Làm việc khoa học vậy thì sẽ hiệu quả hơn.
Thu thập và đánh giá thông tin
Chuyện tìm kiếm nó không có tuyến tính, không là đường thẳng kiếm tới là ra mà nó là vòng lặp. Đọc một thông tin này dẫn đến một thông tin khác, dẫn đến một từ khoá khác và có khi phải quay lại đặt lại vấn đề từ khoá cần tìm. Do đó, khi đọc, bạn cần tập trung vào những thông tin liên quan, bỏ qua những thứ không liên quan, ghi nhận, copy lại, highlight – tô đậm những thông tin quan trọng, lưu ý thành kiến của bản thân với chủ đề và thông tin có thể làm mình bỏ qua những thông tin hay, liên quan, nhưng nằm ngoài vùng hiểu biết hay niềm tin của bản thân. Nhìn các thông tin đa chiều, xem nguồn thông tin có đáng tin cậy không, từ ai, tổ chức nào, nghiên cứu nào, v.v. Sau khi đã thu thập và đánh giá thông tin thì bạn là người quyết định thông tin vậy đủ chưa hay cần tìm thêm.
Vậy nha. Bắt đầu tự mình chịu trách nhiệm tìm kiếm thông tin liên quan cho bản thân đi. Đừng quăng câu hỏi ra vũ trụ khi bản thân chưa hiểu đủ về nó. Nền tảng thành công là ở đó, là tự thân vận động most of the time – hầu như luôn luôn. Còn quyền trợ giúp nó quý lắm. Đừng có sử dụng bừa bãi, thiếu suy nghĩ. Gởi một câu hỏi đi là đang trình diễn thái độ, tinh thần, khả năng của mình đó bạn.