Cụ thể, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm do vụ cháy gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Báo cáo gửi về Cục Quản lý, giảm sát bảo hiểm trước ngày 19/9/2023.
Trước đó, vào nửa đêm ngày 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37, ngõ 29/70, phố Khương Hạ có diện tích hơn 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
“Chung cư mini” này được xây kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, chia làm gần 50 căn hộ cho thuê, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên. Trong đó, 1 tầng hầm là nơi để xe, 8 tầng bố trí các căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng được thiết kế có 5 căn hộ, diện tích mỗi căn từ 35-56m2.
Tính đến 19h tối 13/9, Công an TP Hà Nội cho biết đã có 90 người thương vong trong vụ hoả hoạn này, trong đó 56 người tử vong; 37 người bị thương.
Số người bị thương đang được cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Quân y 103…
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ những nạn nhân và những trường hợp bị ảnh hưởng do đám cháy.
Đối với việc hỗ trợ người bị nạn, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn.
Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Thành phố hỗ trợ 37.000.000 đồng/người thiệt mạng và 12.400.000 đồng/người bị thương.
Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm: 5.000.000 đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10.000.000 đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện.
Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể – xã hội.
Thành phố Hà Nội hỗ trợ đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn, mức 5 triệu đồng/trẻ.
Đồng thời, giao chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ ổn định chỗ ở, các điều kiện sinh hoạt.