Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa, Khóa XVII, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa đã giải trình một số khó khăn vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp sắp xếp tài sản công dôi dư sau sáp nhập.
SẮP XẾP TÀI SẢN CÔNG DÔI DƯ CÓ NƠI LÀM RẤT CHẬM
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ báo cáo trước HĐND tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa đã giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập và giảm 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Sau sáp nhập sắp xếp, Thanh Hóa có 537 công sở, nhà đất tài sản công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, khoảng 110 nhà văn hóa thôn, trong số 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý còn lại 82 cơ sở nhà đất dôi dư vẫn chưa có phương án sắp xếp.
Hiện nay, số cơ sở dôi dư sau sáp nhập đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án là 455/537 cơ sở. Trong đó, các hình thức sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất được phê duyệt gồm: Điều chuyển 83 cơ sở; thu hồi 17 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 193 cơ sở; chuyển về địa phương quản lý, xử lý 142 cơ sở; tạm giữ lại 20 cơ sở.
Số cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án là 82/537 cơ sở, là các trạm y tế dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.
Đến nay, đã hoàn thành phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 142 cơ sở theo phương án được duyệt; điều chuyển 5/83 cơ sở; thu hồi 1/17 cơ sở (nhà văn hóa); phê duyệt quyết định bán, phương án bán đấu giá tài sản đối với 1 cơ sở là công sở UBND thị trấn Thọ Xuân cũ.
Ông Đỗ Ngọc Duy (Tổ đại biểu huyện Nga Sơn) chất vấn, tại sao phương án sắp xếp tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có nơi còn chậm, phải điều chỉnh nhiều lần. Cá biệt có trường hợp kéo dài 1 năm 8 tháng mới được phê duyệt.
Đại biểu Lê Hữu Quyền (Tổ đại biểu huyện Nông Cống) đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của tình trạng 83 cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính đã được phê duyệt phương án điều chuyển, nhưng đến nay mới thực hiện được 5 cơ sở…
NHIỀU RÀO CẢN KHIẾN XỬ LÝ TÀI SẢN CHẬM TRỄ
Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa lý giải, Thanh Hóa là địa phương có số lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại rất lớn, địa bàn rộng, nhiều cơ sở nhà, đất còn thiếu cơ sở pháp lý nên rất khó thực hiện.
Quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập; quy định chưa cụ thể, rõ ràng.
Giai đoạn 2019-2022, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến công tác triển khai kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh để lập, thẩm định và phê duyệt phương án.
Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động của các huyện, thị xã, thành phố trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND tỉnh.
Việc sắp xếp lại xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ thuộc vào tiến độ rà soát, điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan.
Tuy nhiên, công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch có liên quan khác đang còn chậm.
Việc theo dõi tài sản công trải qua nhiều năm không được chú trọng, khi thực hiện rà soát, lập phương án mới phát hiện nhiều thiếu sót, đặc biệt là hồ sơ pháp lý nên quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Để xảy ra tình trạng chậm triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập, trách nhiệm chính do các địa phương, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản chậm rà soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện sắp xếp, xử lý; chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở thực hiện phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Sở Tài chính Thanh Hóa với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất tỉnh cũng nhận trách nhiệm khi chưa kịp thời đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai và báo cáo kết quả thực hiện.
Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa cho rằng, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, thủ trưởng các đơn vị phải xác định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị.
Trên cơ sở phương án đang trình hoặc đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát lại các tài sản công dôi dư ở cấp xã, cấp huyện, đánh giá kỹ tính khả thi của việc xử lý từng tài sản công theo phương án được duyệt hoặc đang trình duyệt.
Đối với các tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì tập trung chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng tài sản để thực hiện.
Đối với các tài sản công qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục thì UBND cấp huyện phải chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng đối với các tài sản đất và trên đất dôi dư sau sáp nhập thì các địa phương cũng rất nỗ lực cố gắng, tuy nhiên do còn vướng về thể chế, trong khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý tài sản dôi dư có một phần đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai và sợ trách nhiệm, chậm tham mưu.
Một bộ phận cán bộ tham mưu rất chậm, thậm chí còn gây khó khăn, trong khi đó UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo rất sát và nhiều lần cũng đã có chỉ đạo liên quan về việc xử lý tài sản dôi dư liên quan đến nhà đất của các đơn vị như hiện nay, ông Thi nói về nguyên nhân chậm trễ trong việc xử lý tài sản dôi dư.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/xu-ly-tai-san-cong-doi-du-tai-thanh-hoa-can-bo-so-sai-so-trach-nhiem.htm