Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn tín dụng ngấm vào nền kinh tế như thế nào? Nếu tăng trưởng quý 3 chưa cải thiện rõ nét, dư địa chính sách tiền tệ có được sử dụng để tăng thêm sự hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế không?
Tại chương trình “Đối thoại Tháng 7: Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sáng 26/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết vốn tín dụng chỉ là một phần cơ cấu nguồn vốn, bên cạnh đó có vốn tư nhân, ngân sách nhà nước, đầu tư nước ngoài. Câu chuyện đặt ra hiện nay là phải khơi thông, tạo cơ chế, điều phối các nhóm chính sách một cách nhuần nhuyễn để chúng thẩm thấu tốt hơn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới đi ngược chiều giảm lãi suất điều hành.
Fed được dự báo tiếp tục tăng 0,25% lãi suất, chỉ số CPI của Mỹ giảm nhưng họ quan tâm hơn nhiều đến chỉ số lạm phát lõi, bởi lạm phát lõi Mỹ vẫn cao áp lực tiếp tục tăng lãi suất chứ không phải như thị trường dự báo. Rõ ràng thị trường việc làm của Mỹ phục hồi tốt chứng tỏ tăng trưởng kinh tế Mỹ còn nóng, tổng cầu còn tốt, lạm phát cầu kéo còn áp lực, lạm phát lõi chưa nguội nhanh được. Nhìn sang châu Âu lạm phát vẫn cao 6-7%, ngân hàng Trung ương Anh vẫn tiếp tục tăng lãi suất, chu kỳ tăng lãi suất chưa chấm dứt ngay.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước giảm 4 lần lãi suất và đó là quyết định táo bạo. Bởi lẽ, lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm, lo lắng về lạm phát tiếp tục kéo dài sang năm 2024, dẫn đến hoạt động điều hành phải cân nhắc dài hơi. Tuy nhiên, với bối cảnh tăng trưởng kinh tế đặc biệt khó khăn nên phải giảm lãi suất, kết hợp đồng bộ nhiều công cụ, tạo nên sự dồi dào thanh khoản hệ thống và dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng.
“Câu chuyện ở đây là độ ngấm của vốn vào nền kinh tế thế nào? Lãi suất liên ngân hàng qua đêm 0,2%, lãi suất 1 tháng 0,6%, thanh khoản dư thừa, các ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vấn đề là tìm cách để vốn ngấm được vào nền kinh tế hay không mới là câu chuyện quan trọng”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), khác hẳn kênh vốn ngân sách nhà nước là chi tiêu nhưng không đòi lại; còn ngân hàng là trung gian huy động vốn, cho vay phải gắn với thu hồi nợ. Nếu cho vay dưới chuẩn và không quan tâm đến bên vay sử dụng vốn có đúng mục đích hay không sẽ để lại hậu quả tệ hại không chỉ cho ngân hàng mà cả nền kinh tế, như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước.
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế khó khăn, các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều khó khăn. Cụ thể, động lực thứ nhất là đầu tư công thì giải ngân chậm, tác động chi tiêu từ Chính phủ chưa được như kỳ vọng.
Động lực thứ hai là xuất khẩu đang sụt giảm; Tài khoản vãng lai mặc dù thặng dư nhưng là mối lo lớn vì tốc độ xuất nhập khẩu giảm nhanh; Đặc biệt là tốc độ nhập khẩu giảm nhanh hơn so với xuất khẩu nên mới thặng dư thương mại. Kéo theo đó, tốc độ đầu tư giảm, tín dụng giảm và dẫn đến tăng trưởng GDP bị đình trệ.
Thống kê sơ bộ có trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhóm doanh nghiệp này bị tác động lớn, khả năng tiếp cận vốn với ngân hàng ngày càng khó hơn. Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề và đã ban hành 2 Thông tư gồm: Thông tư 02 cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng.
“Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là chất lượng doanh nghiệp suy giảm, năng lực tài chính đi xuống nên cung cầu tín dụng khó gặp nhau. Trong khi đó, muốn cho cung cầu gặp nhau thì phải nâng chuẩn bên vay nợ”, ông Phạm Chí Quang cũng phân tích thêm và nhấn mạnh rằng cùng đó, phải sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp như quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song, các chính sách tài khóa cần phát huy hết tác dụng, qua đó, góp phần nâng cao khả năng hấp thụ các nguồn vốn đi vào thị trường.