Kể từ 13/1 đến nay, đồng Yên mất khoảng 13% giá trị so với đồng USD. Hiện, tỷ giá Yên/USD giao dịch ở mức 144,834 Yên đổi 1 USD. Trước đó, tỷ giá có lúc vượt mốc 145 Yên đổi 1 USD.
DOANH NGHIỆP PHẢI LÀM GÌ KHI ĐỒNG YÊN DÒ ĐÁY?
Trao đổi với VnEconomy, PGS. TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra 4 tác động tới kinh tế Việt Nam khi đồng Yên giảm giá mạnh so với USD.
Cụ thể: (i) nợ công thực của Việt Nam sẽ giảm; (ii) tác động đáng kể làm tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam; (iii) thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam song song làm giảm hiệu quả xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật. Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng, tác động về thương mại có thể không lớn do vấn đề mấu chốt tại thị trường Nhật Bản là đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng; (iv) thu nhập thực tế của lao động Việt Nam tại Nhận Bản sẽ giảm.
Phân tích về tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng điều này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi họ có thể nhập hàng hóa Nhật với giá rẻ hơn so với trước đây, từ đó gia tăng được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận do hàng hóa bán ở Nhật Bản sẽ thu về ít tiền hơn trước đây đối với các mặt hàng có độ co giãn của cầu theo giá lớn, tức người dân sẽ rất nhạy cảm với việc tăng giá bán và hạn chế mua khi giá tăng.
Còn đối với các hàng hóa thiết yếu và có thể tăng giá được ở Nhật Bản, nhìn chung cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn. Còn với các doanh nghiệp đang vay Yen thì đây là một tin tốt, vì khi đồng Yen giảm giá thì doanh nghiệp cũng sẽ bỏ ít VND hơn để trả nợ. Nhóm hưởng lợi này chủ yếu là các doanh nghiệp nhiệt điện.
Về vấn đề nợ công, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 274 nghìn tỷ VND. Chính vì thế đồng Yên mất giá cũng làm giảm số nợ này so với trước đây, giúp chúng ta giảm bớt gánh nặng nợ công.
Liên quan đến câu chuyện này, ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Sugano Yuichi ký kết 3 thỏa thuận vay cho 3 chương trình, dự án với tổng trị giá lên tới gần 61 tỷ Yên.
Trong đó, đáng chú ý là Thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19.
Đây là khoản vay thuộc Chương trình ODA thế hệ mới được triển khai trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản với lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa đồng trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh Thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng triển khai ký kết 2 thỏa thuận vay cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của 2 tỉnh Bình Dương và Lâm Đồng.
Trong đó gồm: Khoản vay cho Dự án Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương trị giá 6,3 tỷ Yên được triển khai trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông thông qua việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến Metro; khoản vay cho Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 4,7 tỷ Yên có mục tiêu hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.
Với 3 khoản vay được ký kết lần này, Nhật Bản tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết đến nay lên tới hơn 2.567 tỷ Yên (tương đương khoảng hơn 23 tỷ USD).
Với xu hướng giảm giá mạnh của đồng Yên, TS Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong tương lai như mua các hợp đồng quyền chọn bán Yên, hay các hợp đồng kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong trường hợp đồng Yên mất giá mạnh so với VND và các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng có thể cân nhắc việc ký hợp đồng giao dịch bằng USD đối với các đối tác Nhật Bản, điều này có thể giúp phòng ngừa rủi ro đồng Yên tiếp tục bị mất giá so với USD và VND trong tương lai. Tuy nhiên, để làm được việc này cần thuyết phục các đối tác Nhật Bản vì giao dịch này chưa có thông lệ.
Còn theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nhật Bản là một trong những thị trường nhập khẩu lớn hàng thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên hiện nay, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đã cao hơn của Thái Lan, Ấn Độ. Một khi đồng Yên mất giá buộc quốc gia nhập khẩu sẽ tìm đến sản phẩm có giá thành thấp hơn. Đây là điều vô cùng bất lợi đối với ngành thủy sản nước ta.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thuỷ sản tìm cách tích cực đàm phán, chia sẻ hài hòa về giá mua nguyên liệu và giá xuất. Có những doanh nghiệp thuỷ sản một mặt hỗ trợ khách hàng về giá cả, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đồng thời có trách nhiệm với bà con nông dân để giữ mức giá tôm trong nước ở mức ổn định.
ÁP LỰC TỶ GIÁ GIỮA CÁC ĐỒNG TIỀN CHÂU Á VỚI USD CÒN KÉO DÀI
Các áp lực về tỷ giá giữa các đồng tiền châu Á với USD được dự báo sẽ kéo dài trong suốt năm 2023 và có thể sang năm 2024. Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho rằng, Mỹ không thể kéo lãi suất về mức mục tiêu 2% trong năm 2024, thay vào đó, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện vào năm 2025. Như vậy, nhiều khả năng FED sẽ duy trì lãi suất cao trong 1 đến 2 năm tới và các dự báo trước đây về việc FED sẽ hạ lãi suất vào quý 4/2023 khó có thể trở thành hiện thực.
Đó là thách thức không nhỏ cho các ngân hàng trung ương châu Á, bao gồm ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong việc đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ trong khi vẫn phải duy trì các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua các chính sách kích cầu và mặt bằng lãi suất thấp.
Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang FED vẫn đang kiên trì với cuộc chiến chống lạm phát, nhằm đưa chỉ số giá tiêu dùng CPI về mức mục tiêu 2% từ mức 4% như hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, FED tiếp tục chính sách nâng lãi suất một cách đều đặn qua các cuộc họp chính sách hằng tháng. Mới nhất, FED đã tạm ngừng nâng lãi suất trong tháng 6, nhưng các nhà phân tích cho rằng rất có khả năng ngân hàng trung ương này sẽ nối lại việc nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 7 sắp tới.
Ở chiều ngược lại, các nước châu Á hầu như không phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, ví dụ như Nhật Bản vẫn ưu tiên các chính sách kích cầu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Sự nghịch chiều chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế Mỹ (và cả châu Âu) với châu Á rốt cuộc đã khiến tình trạng chênh lệch mặt bằng lãi suất ngày càng rộng, thúc đẩy dòng vốn rút khỏi các thị trường châu Á để đổ vào Mỹ.
Khi dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán và hệ thống tài chính – ngân hàng nói chung để tìm kiếm cơ hội sinh lời lớn hơn tại các nền kinh tế áp dụng lãi suất cao hơn, áp lực sẽ ngày càng gia tăng với đồng nội tệ và khiến các đồng tiền châu Á giảm giá sâu.
Với Nhật Bản, bên cạnh chênh lệch lãi suất, nước này còn phải nhập khẩu phần lớn năng lượng và sử dụng USD làm đồng tiền thanh toán, dẫn tới việc BOJ phải liên tục bán ra đồng Yen. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5/2023 ở mức 1,3 nghìn tỷ Yen (8,98 tỷ USD). Thâm hụt thương mại là vấn đề lâu dài của Nhật Bản.
Hiện nay, BOJ vẫn đang giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt bất chấp tỷ giá thấp. GDP Nhật Bản đã tăng lần lượt 2,7% và 2,2% trong hai quý đầu năm 2023, một dữ liệu minh chứng cho quyết tâm giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BOJ và chính phủ Nhật Bản là hợp lý.
Tuy nhiên, BOJ luôn phải cẩn trọng trước các cú sốc tỷ giá, tức những biến động quá dữ dội trong thời gian quá ngắn, khiến những công ty vay nợ bằng ngoại tệ và các công ty nhập khẩu của nước này chịu thiệt hại nghiêm trọng. Sự biến động tỷ giá lớn cũng khiến các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc dự báo triển vọng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, gây khó khăn khi lên kế hoạch đầu tư.
Để tránh cú sốc tỷ giá, giới phân tích cho rằng không sớm thì muộn các ngân hàng trung ương châu Á phải can thiệp bằng cách bán ra dự trữ ngoại hối. Với các nền kinh tế lớn, có dự trữ ngoại tệ đủ lớn, biện pháp này đã chứng minh hiệu quả trong quá khứ.
Nhật Bản đã thực hiện hai lần can thiệp vào thị trường ngoại hối vào tháng 10/2022, trong đó số quy mô can thiệp ngày 21/10 lên đến 5.620,2 tỷ Yên (38 tỷ USD), cao nhất trong lịch sử nước này. Các biện pháp can thiệp này đã đảm bảo sự ổn định tạm thời của đồng Yêan, tránh các cuộc tấn công mang tính đầu cơ.