Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/02 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tín dụng sẽ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 cùng kỳ, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa,… Do đó, việc tín dụng tăng trưởng chậm có một số nguyên nhân do: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: những năm trước, tín dụng bất động sản tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai đồng loạt các Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng, từ đó phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, chuẩn bị triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, sẽ giải ngân ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ và trên cơ sở danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra.
Còn theo các chuyên gia, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các ngân hàng thương mại cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao, trong đó có bất động sản.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) có xu hướng tăng. Theo thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset (MASVN), chỉ số NPL trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh lên mức 2,5% vào cuối năm 2022 (tăng 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng mạnh do tác động bởi NPL tăng đột biến của NVB, VBB, VPB và PGB. Nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 110 điểm cơ bản lên mức 3,3% vào cuối năm 2022.
Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, giả định lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà.
Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng. Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.
Ngoài ra, áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng việc kiềm chế lạm phát cũng không đơn giản. Trong 12 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0,66% lên 5,21% vào tháng 1/2023. Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vu thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát.