Báo cáo về tình hình nợ công năm 2024, Chính phủ cho biết trên cơ sở ước thực hiện vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2024, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội phê duyệt.
GIẢM DẦN VAY NƯỚC NGOÀI
Về cơ cấu nguồn vay nợ, theo báo cáo của Chính phủ, nợ trong nước chiếm áp đảo, khoảng 76% dư nợ Chính phủ, trong đó chủ yếu là Trái phiếu chính phủ; nợ nước ngoài ước chiếm khoảng 24% dư nợ Chính phủ.
Với nợ trong nước, đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ nắm giữ Trái phiếu chính phủ của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 62,5% tổng dư nợ. Còn lại là các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác.
Về nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu của Việt Nam là các đối tác phát triển song phương và đa phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á. Nợ bằng ngoại tệ chủ yếu vẫn là đồng USD (khoảng 12,5%), JPY (khoảng 8,2%) và EUR (khoảng 4,4%), các đồng tiền khác chiếm khoảng 3,7%. Trong khi đó, tỷ trọng nợ bằng đồng nội tệ (VND) chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ ước khoảng 71,3% tính đến cuối năm 2023.
“Ước huy động vốn vay cả năm 2024 đạt 670.679 tỷ đồng, hoàn thành 99,2% kế hoạch vay, trả nợ được duyệt. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách trung ương ước đạt 659.934 tỷ đồng, vay về cho vay lại ước đạt 10.745 tỷ đồng (khoảng 66,6% kế hoạch được duyệt)”.
Báo cáo của Chính phủ.
Cũng theo Chính phủ, năm 2024 vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài ước đạt 31.280 tỷ đồng, trong đó vay về cho vay lại ước đạt 10.745 tỷ đồng.
Các khoản vay nước ngoài đang giải ngân chủ yếu vẫn là các khoản vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ đã ký trước đây với kỳ hạn dài, lãi suất thấp, danh mục vay nước ngoài hiện hành có lãi suất bình quân gia quyền ở mức khoảng 1,9%/năm.
Các nhà tài trợ đa phương và song phương gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc, AFD (Pháp).
Cũng theo Chính phủ, chi phí vay nước ngoài hiện đang cao hơn so với chi phí vay bình quân trong nước và tiềm ẩn các rủi ro về biến động tỷ giá giữa đồng ngoại tệ nội tệ, điều kiện thị trường và khả năng quản trị rủi ro các khoản vay bằng ngoại tệ.
Do Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức với điều kiện vay có tính ưu đãi cao như ODA và chuyển sang vay với điều kiện vay gần lãi suất thị trường, lãi suất vay 2 tổ chức đa phương lớn nhất giai đoạn này dao động trong khoảng 5,91%/năm – 6,5%/năm.
Đối với vốn vay song phương, một số đối tác vẫn cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất cố định ở mức thấp, thời hạn vay dài nhưng phần lớn có các điều kiện ràng buộc như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Áo, Phần Lan…
Cùng với đó, một số đối tác song phương khác có xu hướng đưa vào điều kiện vay tiệm cận dần với thị trường khi cho vay với lãi suất thả nổi như: Pháp, Đức.
NGHĨA VỤ TRẢ NỢ SO VỚI THU NGÂN SÁCH GẦN SÁT TRẦN 25%
Làm rõ tình hình thực hiện kế hoạch vay trong nước của Chính phủ năm 2024, theo báo cáo này, năm 2024 dự kiến vay trong nước ở mức 639.399 tỷ đồng (bằng khoảng 95% kế hoạch), trong đó chủ yếu thông qua phương thức phát hành Trái phiếu chính phủ. Về nợ trong nước, tiếp tục tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn trên thị trường Trái phiếu chính phủ và giảm dần tỷ trọng nắm giữ Trái phiếu chính phủ của các ngân hàng thương mại.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 5/9/2024, Trái phiếu chính phủ phát hành có kỳ hạn từ 5-30 năm và kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 11,05 năm, đảm bảo mục tiêu 9-11 năm Quốc hội đề ra, góp phần giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục Trái phiếu chính phủ ở mức khoảng 9 năm, góp phần quản lý nợ công an toàn, bền vững.
Lãi suất phát hành bình quân ước khoảng 3%/năm, giảm 0,21 điểm phần trăm so với năm 2023 (3,21%/năm), phù hợp với diễn biến thị trường và công tác điều hành chính sách chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Đánh giá tình hình quản lý nợ công năm 2024, Chính phủ cho biết công tác quản lý nợ công tiếp tục được thực hiện chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển; đồng thời, đảm bảo các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2024 trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội phê duyệt. Từ đó, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia tăng tính chủ động ứng phó với những rủi ro phát sinh từ nguyên nhân bên ngoài và trong nội tại nền kinh tế.
Cùng với đó, cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2024 tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực. Dư nợ trong nước tăng lên; nợ nước ngoài giảm dần, trong đó danh mục nợ nước ngoài chủ yếu là các khoản vay ODA, vay ưu đãi đã ký có kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi.
Chủ trương huy động nguồn lực cho phát triển trên tinh thần nguồn lực trong nước là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, cần thiết, góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trong khu vực và trên thế giới.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục được quản lý chặt chẽ, tỷ trọng giảm, từ mức 3,8% GDP năm 2021 xuống còn ở mức khoảng 2-3% GDP năm 2024.
“Việc trả nợ của Chính phủ năm 2024 được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước khoảng 21-22%”, Chính phủ nêu rõ.
Tuy nhiên, chỉ tiêu này cũng cần lưu ý, dù vẫn dưới mức giới hạn an toàn Quốc hội đặt ra là 25% nhưng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước đang có dấu hiệu tăng và sát mức trần đặt ra là 25%.
ÁP LỰC LỚN TRONG HUY ĐỘNG VỐN
Công tác phát hành Trái phiếu chính phủ của Chính phủ đã bám sát chủ trương tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn nêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 9/11/2016 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, công tác huy động vốn cũng gặp khó do thị trường tài chính tiền tệ thời gian tới dự kiến còn nhiều biến động khó lường.
Ngày 18/9/2024 Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ 0,5% lãi suất tham chiếu. Ở trong nước, tỷ giá đồng USD/VND có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở để ổn định thị trường tiền tệ.
Lãi suất phát hành tín phiếu của Ngân hàng nhà nước và giao dịch repo kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày hiện nay khoảng 4,2-4,25%/năm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ đầu quý 3/2024 đến nay giao động trong khoảng 4,5-4,9%/năm. Do đó, lãi suất phát hành Trái phiếu Chính phủ đến hết năm 2024 sẽ phụ thuộc vào khối lượng huy động, nhu cầu của các nhà đầu tư trên thị trường tại thời điểm phát hành và diễn biến lãi suất.
Trao đổi với báo giới vừa qua về khó khăn trong công tác huy động vốn Trái phiếu chính phủ, đại diện Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết thời gian qua, tình hình trong nước, quốc tế có nhiều biến động, do tác động của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất điều hành tương đối cao khiến cầu thị trường tham gia tương đối thấp so với nhu cầu.
Nửa đầu năm, huy động vốn Trái phiếu chính phủ đạt 39% tương đối thấp so với kế hoạch đề ra, tính đến hết quý 3/2024 đã đạt 68% kế hoạch (400.000 tỷ đồng). Mục tiêu đặt ra khá thách thức, bởi trong những năm gần đây, Kho bạc Nhà nước huy động được tối đa 330.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Hiện tỷ giá đồng USD/VND dù giảm nhưng vẫn ở mức cao và khi đồng USD lập đỉnh mới của 2 tháng cũng tác động phần nào đến công tác trả nợ, do Chính phủ vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, ngân sách cơ bản thu bằng tiền đồng. Ngân sách ưu tiên dành phần thu bằng ngoại tệ sẽ trả nợ bằng ngoại tệ, phần thiếu mua từ ngân hàng thương mại. Đại diện Kho bạc Nhà nước cũng khẳng định nguồn vay trả nợ trong phạm vi dự toán được giao, đúng lượng ngoại tệ chúng ta vay nước ngoài.
Kể từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã chào mua 5 đợt ngoại tệ tổng cộng 500 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Riêng trong tháng 9, 10/2024, Kho bạc Nhà nước chào mua 4 đợt với số lượng là 400 triệu USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD giảm.
Dù vậy, công tác huy động vốn cũng có nhiều thuận lợi do kinh tế ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tăng trưởng đạt khá. Đến cuối năm, Kho bạc Nhà nước sẽ bám sát tình hình của thị trường, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước để tổ chức huy động vốn Trái phiếu chính phủ với khối lượng phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi trả nợ gốc của ngân sách trung ương và duy trì hoạt động của thị trường.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/vay-trong-nuoc-gan-640-000-ty-dong-nam-2024-nghia-vu-tra-no-dang-tao-suc-ep.htm