Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất trong 3 tuần trở lại đây, khi tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần do kỳ vọng đi xuống về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm 2024. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (4/1) cũng giảm, nhưng vẫn đang cao hơn khoảng 14,5 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.
Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đứng ở 2.045 USD/oz, tăng 2,8 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ đêm qua, nhưng giảm khoảng 20 USD/oz, tương đương giảm gần 1% so với mức giá ở cùng thời điểm ngày hôm qua – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Ở mức giá này, giá vàng thế giới tương đương khoảng 60,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Tập đoàn Phú Quý lúc gần 10h báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,9 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Vàng 999,9 nhẫn tròn Phú Quý có giá 62,25 triệu đồng/lượng và 63,45 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, giảm 250.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 72 triệu đồng/lượng và 75 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,4-14,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn đang cao hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây, khi phiên giảm 1% vào đêm qua là phiên mất giá mạnh nhất của kim loại quý này kể từ hôm 11/12. Gây áp lực giảm giá lên vàng là biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed làm gia tăng sự bấp bênh về thời điểm mà ngân hàng trung ương này có thể cắt giảm lãi suất. Đồng USD cũng tăng giá mạnh sau khi biên bản này được công bố, khiến sức ép mất giá đối với vàng càng thêm lớn.
Biên bản cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bộ phận ra quyết sách trong Fed – có vẻ tin tưởng rằng lạm phát đã được kiểm soát, với “rủi ro lạm phát tăng” đã suy yếu và mối lo về việc chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức có thể gây tổn hạn cho nền kinh tế ngày càng lớn. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy Fed chưa định hình được một thời điểm cụ thể cho đợt giảm lãi suất đầu tiên, và cũng không có gì đảm bảo Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần như dự báo đưa ra trong lần họp này.
“Các thành viên tham dự cuộc họp nhìn chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì phương pháp tiếp cận cẩn trọng và dựa vào dữ liệu kinh tế cụ thể để đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định rằng sẽ là phù hợp nếu chính sách tiền tệ duy trì trạng thái thắt chặt trong một khoảng thời gian cho tới khi lạm phát giảm một cách rõ ràng và bền vững về mục tiêu”, biên bản cuộc họp Fed có đoạn viết.
“’Hãy cứ thận trọng’ là thông điệp đến từ biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed. Lãi suất có thể đã đạt đỉnh, nhưng việc giảm lãi suất sẽ cần thêm thời gian, nhất là khi điều kiện tài chính đang nới lỏng và sự bấp bênh gia tăng”, nhà giao dịch kim loại quý Tai Wong ở New York nói với hãng tin Reuters.
Thị trường đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3 và có 6 đợt giảm trong năm nay. Tuy nhiên, đặt cược vào đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 đã giảm xuống, còn 70% – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Trước khi biên bản Fed được công bố, mức đặt cược là hơn 80%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,3%, đạt ngưỡng 102,5 điểm khi đóng cửa, cao nhất kể từ trung tuần tháng 12. Do vàng được định giá bằng USD, nên USD tăng giá đã gây áp lực giảm lên giá vàng. Đồng bạc xanh đã hồi phục trong mấy phiên gần đây, sau khi giảm 2% trong tháng trước do kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất.
Trong nước, Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.190 đồng (mua vào) và 24.560 đồng (bán ra), tăng 40 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/vang-the-gioi-va-trong-nuoc-dong-loat-tut-gia.htm