Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,15 triệu đồng/lượng và 56,15 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 350.000 đồng/lượng và 450.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tại New York, giá vàng giao ngay tăng 14,6 USD/oz, tương đương tăng 0,74%, so với đóng cửa cuối tuần trước – theo dữ liệu từ trang Kitco. Cú tăng này đảo ngược diễn biến giá vàng trong phiên châu Á trước đó, khi giá có lúc sụt gần 1% vì đồng USD tăng giá mạnh.
Phiên sáng nay tại châu Á, giá vàng giao ngay lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.979,8 USD/oz, giảm 5,5 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ. Mức giá này tương đương 56,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 800.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Đồng USD quay đầu giảm giá đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng do vàng được định giá bằng đồng bạc xanh. Ngoài ra, động thái cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đã làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát cao dai dẳng, cũng có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản chống lạm phát hàng đầu.
Dù vậy, nếu lạm phát cao kéo dài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt – một điều không có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất. Giới phân tích cho rằng triển vọng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ gây áp lực mất giá lên vàng trong thời gian tới.
Nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng có thể khiến Fed buộc phải xoay trục sớm. Có thể nói rằng những yếu tố trái chiều đang khiến cho bức tranh chính sách tiền tệ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
“Những sự kiện lớn liên tục xảy đến trong thời gian gần đây, và điều đó khiến nhà đầu tư lo lắng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định, đề cập đến cuộc khủng hoảng ngân hàng đẩy giá vàng tăng gần 8% trong tháng 3.
Cú sốc do quyết định giảm sản lượng dầu mà OPEC+ đưa ra “thực sự đang thúc đẩy giao dịch phòng ngừa lạm phát đối với vàng” – ông Moya nói thêm.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt phiên ngày thứ Hai tại Mỹ ở mức gần 102,1 điểm, từ mức 103 điểm trong phiên buổi sáng tại thị trường châu Á. Sáng nay, chỉ số này tăng nhẹ, dao động quanh mốc 102,2 điểm.
Bên cạnh đó, giá vàng còn hưởng lợi từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, sau khi các cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) và S&P Global cho thấy hoạt động sản xuất ở Mỹ yếu đi trong tháng 3. Những số liệu này làm dịu bớt nỗi lo của nhà đầu tư về lạm phát.
Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 56% Fed tăng lãi suất 25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất là 44%.
Một số chuyên gia vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng giá vàng, cho rằng lãi suất tăng sẽ tiếp tục là một trở ngại đối với giá kim loại quý này.
“Vàng đang ở tình thế dễ tụt về ngưỡng 1.900 USD/oz, xét tới khả năng lãi suất cực đại trong chu kỳ thắt chặt này của Fed sẽ cao hơn so với những gì thị trường đang phản ánh”, nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index nhận định.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.310 đồng (mua vào) và 23.650 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.