Giá vàng thế giới giảm khá mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ bật tăng sau báo cáo lạm phát Mỹ, dù các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (14/6) duy trì ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 10h, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,02 triệu đồng/lượng (bán ra), đi ngang so với cuối giờ chiều hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 55,57 triệu đồng/lượng và 56,42 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng qua.
Cùng thời điểm trên, theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.947,8 USD/oz, tăng 3,5 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường Mỹ. Mức giá này tương đương 55,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 11,5 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,3 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá bán lẻ các sản phẩm vàng 999,9 khác đang cao hơn khoảng 0,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay giảm 14,2 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,7%, còn 1.944,3 USD/oz.
Vàng giảm giá do lợi suất trái phiếu Mỹ bật tăng trở lại. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,807%, khiến cho vàng – một tài sản không mang lãi suất – suy giảm sức hấp dẫn. Trong phiên, giá vàng có thời điểm tăng sau báo cáo lạm phát của Mỹ, nhưng trạng thái tăng không thể duy trì lâu.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy CPI tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Lạm phát lõi giữ nguyên ở mức 0,4%.
So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần là 4%, thấp hơn so với dự báo và là mức thấp nhất 2 năm, phản ánh sự “giảm nhiệt” của giá năng lượng, bao gồm giá xăng và giá điện. Lạm phát lõi của 12 tháng là 5,3%.
Lạm phát suy yếu củng cố khả năng Fed “án binh bất động” trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Việc Fed tạm dừng tăng lãi suất sau 10 đợt tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái là một diễn biến có lợi cho giá vàng.
Theo dữ liệu từ công cụ Fedwatch của sàn CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đã khởi động vào ngày thứ Ba theo giờ Mỹ và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư.
Tuy nhiên, do sự dai dẳng của lạm phát lõi, giới đầu tư cho rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ chưa kết thúc ở đây. Khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 7 là 62% – theo dữ liệu từ CME. Bởi vậy, lợi suất trái phiếu vẫn tăng và giá vàng chịu sức ép giảm. Ngoài ra, lạm phát lõi còn cao cũng khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
“Giá vàng không thể giữ được thành quả tăng sau khi CPI tăng giá, vì mối lo rằng sự dai dẳng của lạm phát lõi có thể khiến dự báo lãi suất mà Fed sắp đưa ra cho thấy số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 ít hơn so với kỳ vọng của thị trường”, nhà giao dịch kim loại quý Tai Wong ở New York nhận định.
Đồng USD tụt giá trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Dollar Index trượt 0,4% xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Nhờ đó, mức độ giảm giá của vàng được hạn chế.
Sáng nay, Dollar Index dao động quanh mốc 103,3 điểm, từ mức 103,5 điểm vào sáng hôm qua.
Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 23.330 đồng (mua vào) và 23.670 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.