Tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội – Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện tờ trình về phương án phân bổ vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, về thời gian và trách nhiệm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư trình phân bổ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ tổng hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31/3/2023” theo quy định tại Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội.
“Chính phủ hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43”
Về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (đợt 3), Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng lưu ý việc giải ngân nguồn vốn của chương trình rất chậm. Từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn.
Về phương án phân bổ cụ thể, một số dự án có thời hạn hoàn thành trong năm 2024, 2025; trong đó, đã bố trí đủ vốn từ chương trình trong năm 2023 nhưng thời gian hoàn thành là năm 2024, 2025.
Cụ thể như dự án nâng cấp đoạn Km18 – Km80, Quốc lộ 4B có tổng mức đầu tư là 2.297 tỷ đồng; dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận 10,796 tỷ đồng… đều đã được bố trí đủ trong năm 2023 nhưng dự kiến thời gian kết thúc là năm 2024.
Do đó, một số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi. Vì vậy, đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến 2024, 2025.
Liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chính phủ kiến nghị phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 87.359,227 tỷ đồng.
Trong đó, 80.590,227 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ, 180 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023 và 6.769 tỷ đồng cho 2 dự án Bộ Quốc phòng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sau ngày 31/3/2023.
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, “số vốn 24.594,3 tỷ đồng vốn bố trí cho 3 dự án quan trọng quốc gia, 1 dự án đường cao tốc đã được dự kiến phân bổ trong tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý.
Do đã được phân cấp cho các địa phương thực hiện dự án, cùng với việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, cần thực hiện điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.
Về phân bổ 444,407 tỷ đồng còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phân bổ đối với khoản vốn này, nhằm tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nhất trí đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Liên quan đến việc thu hồi vốn ứng trước ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, chịu trách nhiệm về số liệu cụ thể và xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với các bộ, địa phương và làm rõ căn cứ pháp lý để xử lý các tồn đọng này báo cáo Quốc hội theo quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội.
Về phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ kiến nghị phân bổ 1.208,188 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội phương án phân bổ số vốn này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, phân bổ vốn sớm để có cơ sở thực hiện, đảm bảo khả năng giải ngân sớm.
Về việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc.