Tỷ giá đồng yên Nhật Bản so với đồng USD đang kẹt ở gần mức thấp nhất 3 thập kỷ, có vẻ như như chưa tìm thấy đáy trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, trái ngược với triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn của các nền kinh tế phương Tây.
Phiên sáng nay (14/11) tại thị trường châu Á, tỷ giá đồng yên có thời điểm ở mức 151,72 yên đổi 1 USD, gần mức đáy của 1 năm là 151,92 yên đổi 1 USD thiết lập vào ngày thứ Hai. Nếu đồng yên giảm dưới mức đáy của năm ngoái là 151,94 yên đổi 1 USD, đó sẽ là một đáy mới của đồng tiền này trong vòng 33 năm trở lại đây.
Tỷ giá đồng yên so với đồng euro cũng đang ở mức thấp nhất 15 năm, còn tỷ giá yên so với đồng bảng Anh đang thấp nhất 3 tháng.
Trong phiên ngày thứ Hai, đồng yên có lúc tăng giá mạnh chớp nhoáng so với USD, lên mức 151,21 yên đổi 1 USD, nhưng giới phân tích cho rằng đó là do một lượng lớn hợp đồng quyền chọn hết hạn trong tuần này, thay vì một động thái can thiệp nào đó từ nhà chức trách Nhật Bản.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, chiến lược gia trưởng Marc Chandler của công ty Bannockburn Global nhận định: “Tôi nghi là biến động này của tỷ giá đồng yên xuất phát từ chính các hoạt động trên thị trường vì các nhà đầu cơ vẫn đang lo ngại khả năng cơ quan chức năng Nhật Bản can thiệp”, rồi lại cho rằng chẳng có sự can thiệp nào như vậy.
Ông Chandler nói rằng có khoảng 1,25 tỷ USD quyền chọn đồng yên hết hạn vào ngày thứ Hai ở mức 152 yên/USD, nên đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến tỷ giá có những biến động bất ngờ xung quanh mốc này. Ông so sánh diễn biến này với những gì đã xảy ra hồi đầu tháng 10, khi đồng yên cũng bất ngờ tăng giá trong chốc lát, khiến thị trường rộ lên đồn đoán rằng Bộ Tài chính Nhật có thể đã can thiệp. Sau đó, dữ liệu từ cơ quan này đã cho thấy không có động thái can thiệp nào vào thị trường.
Đồng tiền của Nhật Bản vẫn đang chìm trong xu hướng mất giá kéo dài, mà nguyên nhân chính là khoảng cách lãi suất duy trì rộng giữa Nhật Bản và Mỹ. Cuối tháng 10 vừa qua, BOJ một lần nữa nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) nhưng vẫn duy trì lãi suất âm – một quyết định gây thất vọng cho các nhà giao dịch vốn kỳ vọng BOJ có sự dịch chuyển mạnh mẽ hơn để tạo ra một chất xúc tác cho đồng yên hồi phục.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất dù lãi suất quỹ liên bang đang cao nhất 22 năm, đồng thời chủ trương giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Xu hướng mất giá của đồng yên đã đẩy tốc độ lạm phát hàng năm ở Nhật Bản vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ suốt từ tháng 4 năm ngoái. Lạm phát tăng gây áp lực đòi hỏi BOJ phải đưa chính sách tiền tệ từ trạng thái siêu lỏng lẻo trở lại trạng thái bình thường.
Trong khi đó, BOJ chỉ “rón rén” điều chỉnh nhẹ YCC hai lần từ tháng 7 tới nay và phát tín hiệu thiếu rõ ràng về kết thúc lãi suất âm. Những động thái ít ỏi này không đủ sức hỗ trợ tỷ giá đồng yên trước sự cứng rắn của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOJ).
“Tôi nghĩ rằng thị trường nhận thấy BOJ sẽ rút khỏi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng sẽ cực kỳ chậm và thận trọng”, chiến lược gia Rodrigo Catril của National Australia Bank nhận định với hãng tin Reuters. “Đồng yên có lẽ sẽ tiếp tục ở trong trạng thái yếu một thời gian nữa, và thị trường đang chờ xem liệu Bộ Tài chính Nhật Bản và BOJ sẽ cho phép đồng tiền này giảm giá tới mức như thế nào”.
Những ngày gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của Fed đã có những phát biểu nhằm đẩy lùi kỳ vọng của thị trường cho rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Thị trường đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Ba để điều chỉnh kỳ vọng vào các động thái chính sách tiền theo của Fed.
“Nếu số liệu CPI Mỹ cao hơn dự báo, thì rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa”, ông Catril nói.
Tháng 9 năm ngoái, Nhật Bản có cuộc can thiệp bảo vệ tỷ giá đồng yên khỏi xu hướng giảm lần đầu tiên kể từ năm 1998, khi tỷ giá đồng yên rót xuống mức 145 yên đổi 1 USD. Một đợt can thiệp nữa đã được tiến hành vào tháng 10/2022 khi đồng yên rớt xuống mức 151,94 yên/USD, thấp nhất 32 năm.
Theo Bloomberg, hoạt động giao dịch tiền tệ dựa trên chênh lệch lãi suất (carry trade) cũng đang nở rộ, trong đó nhà giao dịch vay đồng yên để bán rồi mua vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn. Đây là một nguyên nhân khác gây áp lực mất giá lên đồng yên.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ phản ứng nếu cần thiết với các biện động tỷ giá bất thường của đồng yên. Quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề ngoại hối của Bộ Tài chính Nhật, ông Masato Kanda, hôm 1/11 nói nhà chức trách “luôn sẵn sàng hành động” khi ông được hỏi liệu sẽ có một cuộc can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng yên.