Luật sư Đặng Xuân Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết hiện tại, Dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa đang trong quá trình lấy ý kiến và các thủ tục liên quan trước khi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về nguyên tắc, khi xây dựng các quy định có tính áp dụng chung thì việc lắng nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng là vô cùng quan trọng. Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta từ trước đến nay luôn đề cao tính thực tiễn và được áp dụng lâu dài cho tương lai.
KHÔNG NÊN HẠN CHẾ QUYỀN TỰ DO KINH DOANH
Góp ý dự thảo, luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng Dự thảo đặt ra không ít rào cản kỹ thuật, gây khó đối với các chủ thể giao dịch (cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước) và sự kết nối liên thông giữa Sở – Sở, Sở – Thành viên của Sở, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, gây khó khăn cho các chủ thể này khi giao dịch trên thị trường, làm giảm vai trò “công cụ bảo hiểm giá” hàng hóa của hoạt động này.
Cụ thể, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 81 quy định có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân trong năm liền trước từ 100 triệu đồng trở lên là không phù hợp, bởi thông lệ quốc tế không quy định thu nhập của người tham gia thị trường là điều kiện để tham gia giao dịch.
Hơn nữa, việc xác định và đánh giá được chính xác thu nhập của toàn bộ nhà đầu tư tham gia thị trường là việc làm rất mất thời gian, công sức và không thực tế. Đồng thời đây sẽ là rào cản chính sách rất lớn ngăn cản nhà đầu tư tham gia thị trường, đi ngược với mục đích phát triển thị trường giao dịch hàng hóa.
Với đặc điểm của hàng hóa là có lưu thông xuyên biên giới, nên việc hạn chế một số chủ thể (cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ) giao dịch các mặt hàng liên thông làm giảm đi ý nghĩa cho giao dịch liên thông theo tinh thần Nghị định 51/2018/NĐ-CP, đi ngược quy luật tự nhiên của giao thương hàng hóa trong thương mại.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định khoản 2 Điều 32 Dự thảo bổ sung yêu cầu về khối lượng giao nhận thực tế của duy nhất hàng hóa nông sản thành điều kiện để được phép liên thông với Sở Giao dịch hàng hoá nước ngoài.
“Việc các Sở Giao dịch hàng hoá niêm yết giao dịch một mặt hàng nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Việc niêm yết giao dịch “chéo” một mặt hàng nào đó giữa các Sở Giao dịch hàng hoá là sự thỏa thuận trên cơ sở lợi ích của các bên, không thể dùng mệnh lệnh hành chính như trong Dự thảo để bắt buộc Sở Giao dịch hàng hoá ở nước ngoài niêm yết giao dịch một mặt hàng nào đó theo yêu cầu của Việt Nam”, luật sư Cường phân tích.
Hay tại điểm b khoản 1 Điều 33 Dự thảo Nghị định quy định đối tượng được giao dịch hàng hóa tương lai liên thông qua Sở Giao dịch hàng hoá ở nước ngoài là “Khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam không thuộc trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật…”. Điểm b khoản 2 Điều 64 Dự thảo Nghị định quy định các thương nhân được giao dịch hàng hóa tương lai thuộc nhóm hàng hoá kinh doanh có điều kiện là “Khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam không thuộc trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật…”. Về các quy định này, nhiều ý kiến cho rằng cần có các cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hoá.
Ngoài ra, việc chỉ cho phép thương nhân kinh doanh các mặt hàng xăng dầu, khí, gạo, hàng thực phẩm đông lạnh, kim loại và hợp kim (trừ vàng) được giao dịch, mà không cho phép các thương nhân khác được giao dịch hàng hóa thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện qua Sở Giao dịch hàng hoá (Khoản 2 Điều 64) sẽ làm giảm đi vai trò là công cụ bảo hiểm giá của hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn đối với các chủ thể bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp trong nền kinh tế. Vì vậy, các ý kiến đề nghị bỏ khoản này để không hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
QUY ĐỊNH CẦN PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN VÀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN
Bên cạnh đó, các ý kiến nhấn mạnh đến những lợi ích khi liên thông giao dịch với thế giới như giúp giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa, khắc phục được những bất cập của thị trường, hình thành một thị trường giao dịch hàng hóa…
Đặc biệt, trong 5 năm qua kể từ khi bắt đầu được liên thông, việc thực hiện các quy định về thông báo, báo cáo về hoạt động liên thông luôn được tuân thủ. Trong quá trình liên thông không phát sinh lỗi, sự cố hay vụ việc gian lận, vi phạm nào.
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 33 của Dự thảo quy định yêu cầu nhà đầu tư cung cấp “tài liệu chứng minh cho giao dịch hàng hóa tương lai nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa” đã gây ra rào cản đối với các thành phần tham gia thị trường.
Các phân tích cho rằng, đứng trên góc độ mục đích giao dịch của nhà đầu tư cũng không có sự phân biệt giữa giao dịch các mặt hàng trong nước hay giao dịch các sản phẩm liên thông với các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Còn đứng trên góc độ mặt hàng, việc hạn chế điều kiện giao dịch liên thông sẽ làm giảm tính tương quan về giá của cùng một loại mặt hàng trên thị trường quốc tế và trong nước. Điều này gián tiếp thúc đẩy thao túng giá hàng hóa nội địa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Do đó, để khắc phục hạn chế, các góp ý đề xuất loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp “Tài liệu chứng minh cho giao dịch hàng hóa tương lai nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa”. Điều này sẽ phù hợp kinh nghiệm quốc tế với thực tiễn thị trường, phục vụ lợi ích nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 85 cũng quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần của Sở Giao dịch hàng hoá phải là tổ chức có kinh nghiệm hoạt động tổ chức thị trường trong lĩnh vực Sở Giao dịch hàng hoá tối thiểu 20 năm. Quy định này dẫn tới hệ lụy là hạn chế, cản trở nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, không phù hợp với định hướng, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ đề ra trong thời gian qua.
Phân tích vấn đề này, Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo -Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng nhà đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 bao gồm cá nhân và tổ chức nước ngoài. Dự thảo Nghị định sử dụng thuật ngữ nhà đầu tư, tuy nhiên lại chỉ cho phép tổ chức được góp vốn, mua cổ phần vào Sở, như vậy đã bỏ sót đối tượng là cá nhân.
Một điểm đáng chú ý là trong Dự thảo có quy định “…hoạt động tổ chức tổ chức thị trường trong lĩnh vực Sở Giao dịch hàng hoá tối thiểu 20 năm”. “Với một tổ chức có kinh nghiệm trong việc tổ chức thị trường Sở Giao dịch hàng hoá thì chỉ có thể là Sở Giao dịch hàng hoá ở nước ngoài và có kinh nghiệm tối thiểu 20 năm. Như vậy, nhiều nhà đầu tư khác có tiềm lực, tài chính, trình độ chuyên môn sẽ không được góp vốn, mua cổ phần vào Sở Giao dịch hàng hoá tại Việt Nam”, bà Thảo nhấn mạnh.
Cùng với đó các quy định ở khoản 2, khoản 3, Điều 86, Điều 87… cũng nên cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp với thực tiễn thị trường và định hướng phát triển.
Theo Luật sư Thảo, việc xây dựng các quy định cần phải nắm bắt yêu cầu sát sao từ thực tiễn, đồng thời có sự định hướng rõ ràng để tạo hàng lang pháp lý chặt chẽ nhưng cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển. Đối với các ngành nghề mới, đặc thù thì cần có những quy định rõ ràng, cụ thể để vừa quản lý tốt vừa khuyến khích phát triển, thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tranh-dung-menh-lenh-hanh-chinh-de-quan-ly-hoat-dong-mua-ban-qua-so-giao-dich-hang-hoa.htm