Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cùng với toàn ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh đơn giản các điều kiện cho vay, giảm lãi suất, rút ngắn thời gian giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã được giải ngân sớm, thậm chí được giải ngân chỉ trong vòng vài ngày. Tổng số tiền giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã từ các tổ chức tín dụng đến nay đã vượt xa cam kết đề ra từ đầu năm.
Cụ thể, có 20 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã đăng ký chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong năm 2023 với tổng số tiền 453.000 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân trên 520.000 tỷ đồng, vượt gần 15% gói cam kết.
Kết quả này nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025 (Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp).
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm để thực thi chính sách có hiệu quả. Thông qua việc thực hiện chương trình này, yêu cầu các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tổ chức triển khai thực hiện và tuân thủ thực hiện các cơ chế chính sách và các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Theo đó, tất cả các hoạt động như giảm lãi suất cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lãi suất thấp… đều được đăng ký tham gia chương trình và tổ chức giải ngân; ký kết hỗ trợ cho vay vốn.
Cách làm này, theo ông Lệnh, mang lại hai ý nghĩa và kết quả quan trọng. Thứ nhất, đảm bảo tuân thủ, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả; Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và phản ánh định lượng bằng kết quả cụ thể.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP.HCM đến nay đã cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 34.600 khách hàng, với tổng dư nợ đạt gần 39.000 tỷ đồng chiếm 27% so với cả nước; Giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 đạt 23.225 tỷ đồng, cho 392 khách hàng, chiếm 36% so với cả nước; Cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 200.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm; giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản – thủy sản đạt 476 tỷ đồng, cho 205 khách hàng…
Cũng theo ông Lệnh, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp không thuần túy chỉ là lễ ký kết cho doanh nghiệp vay vốn như ý tưởng ban đầu, mà với nội hàm và cách làm được thực hiện bằng những hoạt động cụ thể, sáng tạo đã tạo ra một chương trình ý nghĩa và thiết thực, không phải hình thức và không thể hình thức, bởi chương trình gắn với cơ chế chính sách và trách nhiệm thực thi, trách nhiệm đối thoại và giải trình; gắn với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của ngành Ngân hàng, của mỗi tổ chức tín dụng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và cho chính tổ chức tín dụng, để cùng đồng hành và phát triển.
“Các kết quả này, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về chi phí, về vốn, về cơ cấu nợ và sử dụng vốn vay hiệu quả… góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”, ông Lệnh nhấn mạnh.