Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 7/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng.
KHOẢNG 132.637 TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP ĐÁO HẠN TRONG 5 THÁNG CUỐI NĂM
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 20,8% tổng giá trị phát hành) và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng (chiếm 79,2% tổng số).
Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng (chiếm 36,2%), theo sau là nhóm bất động sản với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Các đợt phát hành của nhóm ngân hàng hầu hết chỉ mới được phát hành kể từ cuối tháng 6.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trong thời gian tới dự kiến có 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vietjet và ACB.
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất phát hành cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ đầu và bằng lãi suất tham chiếu + biên độ tối đa 3,5%/năm cho các kỳ còn lại.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua phương án phát hành riêng lẻ Đợt 1 tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn tối đa 5 năm.
LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ CHỊU NHIỀU ÁP LỰC
Trong tháng 7/2023, Kho bạc Nhà nước tổ chức 15 phiên đấu thầu Trái phiếu chính phủ với tổng giá trị gọi thầu là 30.500 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 94,5%. Kho bạc Nhà nước gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm với kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm phần lớn giá trị trúng thầu, lần lượt ở mức 11.098 tỷ đồng và 15.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 5 phát hành thành công 1.239 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm và 30 năm trúng thầu 500 và 1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu trung bình kéo dài đà giảm, thấp hơn khoảng 10 đến 30 điểm so với tháng trước.
Giá trị phát hành Trái phiếu chính phủ kể từ đầu năm đạt 52% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng). Trong tháng 7, Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành thành công 4.450 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (1.950 tỷ đồng).
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 87.454 tỷ đồng (giảm 22,7% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 22.160 tỷ đồng (giảm 46,9%). Giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 4.164 tỷ đồng (giảm 15,3% so với tháng trước) và Repo là 1.055 tỷ đồng (giảm 41,9% so với tháng trước).
So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 7 tăng 6.7% và khối lượng giao dịch Repo thấp hơn 49.2%. Thanh khoản thị trường đang trong giai đoạn phục hồi tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn mặt bằng chung của giai đoạn 2019-2021 khá nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang mua ròng 152 tỷ đồng trong tháng 7, chấm dứt chuỗi 3 tháng bán ròng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, lượng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 4.763 tỷ đồng.
Xu hướng sụt giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam tiếp tục được kéo dài trong tháng 7 tại tất cả các kỳ hạn với mức giảm khoảng 20 đến 40 điểm.
Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ giữa bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do số đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, … Lợi suất trái phiếu chính phủ do đó chịu nhiều áp lực, giảm khoảng 300 điểm tại kỳ hạn 5 năm và 250 điểm tại kỳ hạn 10 năm so với mức đỉnh hồi cuối 2022. Trong khi đó, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm trong tháng 7 lên mức 5,25%- 5,5% nhưng cũng cho biết có thể sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9. Fed sẽ dựa vào dữ liệu lạm phát và thị trường lao động trong thời gian tới để xác định tăng hay giữ nguyên lãi suất.
Chêch lệch lãi suất Việt Nam và Mỹ liên tục nới rộng xuống mức âm kỷ lục kể từ đầu năm đến nay, các chuyên gia cho rằng, khoảng rộng nói trên sẽ gây áp lực lớn đến kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.